Hết đói nghèo đeo đẳng lại bị Fulro quấy rối, lôi kéo vượt biên sang Campuchia, phải ở trại mấy tháng rồi được Nhà nước đón về, những tưởng cuộc đời đã đi vào ngõ cụt, nhưng điều khó ngờ là Ksor Khêl ở làng Dờng, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã đứng dậy bằng niềm tin cuộc sống…
Quá khứ đáng quênKsor Khêl nói rằng quá khứ của cuộc đời mình cũng như làng Dờng toàn những cái đáng để quên thôi. Lợi dụng cuộc sống khó khăn, bọn Fulro đã kích động, o ép khiến một bộ phận người dân trong vùng phải nghe theo chúng. Suốt một thời gian dài – đặc biệt là quãng thời gian 2001 – 2004, làng Dờng nói riêng và xã Hà Bầu nói chung, được coi là những “điểm nóng” hàng đầu của tỉnh Gia Lai…
Cũng bởi sự o ép, lừa phỉnh của bọn Fulro mà Khêl đã cùng với 5 người trong xã, cơm đùm gạo bới, vượt biên trái phép sang Campuchia để hưởng “cuộc sống giàu sang”... Ksor Kêl hồi tưởng đầy ân hận: “Chọn một đêm tối trời năm 2001, để đánh lạc hướng chính quyền, cả toán chia lẻ lên đường đi Sa Thầy (Kon Tum) rồi tụ tập vượt biên sang Campuchia… Sau nửa tháng luồn rừng, vạ vật bờ bụi như những con thú bị săn đuổi; cầm hơi bằng lá rừng với một ít thực phẩm mang theo, tưởng qua khỏi biên giới là được đi Mỹ để hưởng cuộc sống giàu sang. Nào ngờ cả toán bị nhốt liền mấy tháng trong trại. Ân hận thì đã muộn, may mà được tỉnh sang đón về…”.
![Khêl (phải) tâm sự với Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Bầu - Ksor Dúi. Khêl (phải) tâm sự với Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Bầu - Ksor Dúi.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2013/images/2013-12-18/1434777498-anh-bai-chinh.jpg)
Khêl (phải) tâm sự với Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Bầu - Ksor Dúi.
Trở lại làng, chỉ có mấy tháng Khêl đi vượt biên mà gia cảnh thật não nùng… Những đứa con đen nhẻm, gầy gò, ngơ ngác như bị bỏ đói cả năm ròng. Ruộng vườn cỏ mọc lút đầu, dân làng nhìn “người trở về” bằng con mắt nghi ngại khiến lòng Khêl cũng rối bời nỗi xấu hổ. Thật may là chính quyền đã không bỏ rơi Khêl. “Mình là người có tội, vậy mà đã không bị phân biệt đối xử lại được quan tâm, phụ lại tấm lòng ấy thì còn ra người gì nữa” - Khêl nghĩ…
Lối rẽ từ con đường tối
"Mình là người có tội, vậy mà đã không bị phân biệt đối xử lại được quan tâm, phụ lại tấm lòng ấy thì còn ra người gì nữa”. Ksor Khêl
|
Khêl đã theo hướng dẫn của các cán bộ Hội Nông dân xã, làm lúa nước rồi khai hoang trồng được 1ha cà phê. Tuy nhiên chừng đó vẫn chưa khiến Khêl hài lòng. Khel chợt nghĩ ra: Hà Bầu bây giờ cuộc sống ngày một khá hơn, nhu cầu xây nhà kiên cố của dân làng ngày càng nhiều, mà thợ xây dựng lại chỉ toàn người Kinh.
Nghĩ là làm, Khêl đi học nghề. Ham học hỏi lại tháo vát, chẳng bao lâu Khêl đã trở thành người thợ xây khá lành nghề. Khêl còn nảy ra ý tưởng phải thành lập đội thợ xây để giúp đỡ bà con. Sau hơn 1 năm, Khêl đã bao thầu được toàn bộ công trình… trong vùng. Hơn 10 năm lao động miệt mài, Khêl đã xây được căn nhà kiên cố, rộng rãi. Các con của Khêl đều được học hành và có nghề nghiệp trong các cơ quan nhà nước. Riêng cậu út được Khêl cho đi bộ đội… “Mình bị bọn Fulro lừa dối là bởi ít chữ. Nay các con mình được học hành, được Nhà nước dìu dắt thì còn lo gì” – Khêl nói.
Và không chỉ các con, đến lượt Khêl cũng trở thành cán bộ. “Nhờ sự tin tưởng của dân làng và chính quyền, giờ mình là Trưởng ban Mặt trận thôn rồi nhé”- nghe Khêl “khoe” một cách hồn nhiên, tôi có cảm giác cái quá khứ mà anh kể về mình cứ như là mượn của ai để nói cho vui miệng…
Quốc Dinh (Quốc Dinh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.