Tinh mắt chọn chim tài
Nghề nuôi chim bồ câu bay ở Yên Phong - theo các cụ cao niên ở trong vùng, thì người tổng Chờ đã biết thuần dưỡng chim bồ câu hàng trăm năm rồi. Không ai tìm được tài liệu cụ thể, nhưng việc nuôi dưỡng chim bồ câu đưa tin để phục vụ những cuộc chiến tranh đánh trả quân xâm lược Phương Bắc thì cũng ngót 1.000 năm. Ở vùng đất này có đền thờ vị anh hùng Lý Thường Kiệt, với phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh tan quân Nam Tống xâm lược nước ta năm 1077. Và rất nhiều người cho rằng nghề luyện chim (phóng điểu) có từ thời nhà Lý để phục vụ vận chuyển mật thư chiến trận cho triều đình.
Ông Tùng sau khi thả chim và ngồi ngắm chúng bay trên trời nhiều giờ mấy về nhà đón chim. Ảnh: G.T
Theo chân ông Nguyễn Văn Tùng (59 tuổi) lên bờ đê sông Cầu đoạn xã Tam Giang huyện Yên Phong, để luyện chim vào giữa buổi, tôi được ông cho hay: “Với gia đình tôi thì thú chơi chim câu đã truyền qua rất nhiều đời rồi. Ngay từ bé tôi đã theo cụ nội mình gánh lồng chim đi khắp các hội làng trong vùng, cứ ở đâu có thi chim câu là người chơi chim Yên Phong cùng với những đàn bồ câu có mặt ở đó để thi tài. Sau hàng trăm năm chơi chim thì người dân đã đúc kết được cách chọn chim bay phải có những tiêu chí cơ bản: Đầu tròn, cổ chắc, cánh cong/Chân co, đuôi quắp, mới dòng chim bay”.
Theo ông Tùng, đây mới là những tiêu chí cơ bản về phần khung xương của một chú chim bay. Còn phải thêm phần lông đuôi, lông cánh phải dài và mượt, để chim khi bay lên tầng thượng nếu gặp mưa thì không bị ướt vào bên trong. Đặc biệt, mũi mỗi con phải có một mụn thịt nhô lên cao, làm nhiệm vụ cản gió khi chim bay cao, và trên tầng thượng chim sẽ hô hấp tốt, không phải há mồm ra thở mà khát nước, đuối sức lạc đàn. Mỗi chú chim hội tụ được những tiêu chuẩn trên thường có trọng lượng khoảng 250g là lý tưởng nhất.
Ông Tùng chia sẻ thêm, thường chim tốt đã đi theo gia phả cũng có dòng, có giống theo bộ như người đàng hoàng. Nhưng để ghép được đàn mà luyện thành đội bay thì cũng mất rất nhiều công sức, tùy từng tính cách của người chơi để lập đội. Thường thì mỗi đội bay có từ 8 đến 10 thành viên, tùy theo từng hội quy định. Nên người chơi lập đội thì có 3 cách. Thứ nhất là lập đội theo âm - dương, bồ câu là giống vật rất chung tình, chúng thường kết đôi và ở với nhau đến trọn đời. Nếu chim trống, hay chim mái mà nhìn thấy người bạn đời của mình chết, chúng thường cũng quyên sinh theo, bằng cách bay vút lên cao rồi đâm nhào xuống đất để đi theo bạn đời. Còn nếu nửa kia của nó mất tích, thì chúng thường ở vậy thành chim độc. Người nuôi chim lại phải chọn chim khác có cùng hoàn cảnh để ghép đôi cho chúng. Khi ưng thuận thì sau độ 1 tuần, chúng gù và dắt nhau đi kiếm ăn và sẽ tiếp tục sinh nở.
Hiện tại vùng Chờ Yên Phong và các xã ven sông Cầu có khoảng hơn 1.000 đàn chim bồ cầu đang mùa luyện để đi hội. Gặp người chơi chim ở đây, tìm hiểu kỹ mới thấy đúng là nghề chơi phóng điểu vùng Kinh Bắc rất công phu và luôn thử thách với những con người biết chơi và dám chơi hàng trăm năm qua...
|
Đội bay âm - dương là đội lập nên dựa vào các cặp vợ chồng chim, đặc điểm của đội bay này thì rất đều lực, chúng thường dìu nhau cùng lên cùng xuống hài hòa và tính gắn kết trong đội cao. Thường thì những người chơi chim tuổi trung niên ưa lập đội bay kiểu này.
Các thứ hai là lập đội bay gia đình, người chơi sẽ mất công mua đôi chim về, chúng sinh sản ra lứa con, lứa cháu. Khi tất cả đến độ tuổi trưởng thành, sung sức thì đưa vào ghép đội. Có những con chim bồ câu tuổi thọ lên đến 20 năm, và với tốc độ sinh sản vô cùng mắn (thường 2 tháng một lứa chim non ra đời), việc lập đội bay gia đình là không khó. Đặc điểm của đội bay này thường dựa vào cặp chim ông - bà là cặp sẽ dẫn đội đi đến nơi về đến chốn, điều tiết tốc độ lúc khoan lúc nhặt, rất nhịp nhàng. Nhưng nếu không luyện kỹ thì có những con chim cháu chắt dễ phá đàn và làm hỏng đội bay rất nhanh.
Còn cách lập đội bay thứ ba là lập “oanh tạc” đội toàn chim trống. Đặc điểm của đội bay này là rất gắt và rất bốc, chim nhanh lên từng thượng, nhưng lại không có độ mềm mại lúc chuyển đàn trên không trung, và sự liên lạc trong đội bay thường kém. Nếu đi thi hội, đội oanh tạc thường làm nhiệm vụ xé các đàn khác, để thu hút các thành viên chim bị lạc về với đội mình. Thường người chơi chim kỹ tính ít khi lập đội bay như vậy, nếu không vì những mục tiêu đã xác định trước.
Nghề chơi phóng điểu của người dân Yên Phong trải qua hàng trăm năm, nhiều khi người còn đói ăn giáp hạt, nhưng chim thì vẫn phải duy trì nguồn thức ăn đều đặn quanh năm thóc mẩy, nước mưa sạch. Nếu chưa vào mùa luyện chim đi hội thì những chú chim này được ăn hoàn toàn đỗ xanh, để đảm bảo nguồn năng lương cung cấp cho nhiều giờ bay liên tục, lông mượt xương chắc và hơi thở bền.
Ông Tùng chia sẻ thêm, để luyện được một đàn chim bay thành thục, thì ít nhất phải mất nửa năm. Đầu tiên đưa chim xa khỏi nhà vài trăm mét sau đó xa dần, có khi đến hàng chục km mới thả. Tới khi nào chim bay về nhà đủ, không tìm nước uống ngay, hơi thở đều không bị hí hóp..., lúc đó mới đạt tiêu chuẩn đi hội.
Anh tài ra chơi hội
Để luyện được một đàn chim đi hội, thời gian công sức và tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể, với người chơi chim những thứ đó không tính. Theo ông Nguyễn Đinh Toàn (75 tuổi) - người chơi chim đã hơn 60 năm ở Yên Phong, thì cái cảm giác được mở lồng chim ra giữa hội trong tiếng trống thúc, xong phóng mắt dõi theo từng cánh bay của chúng, mới thấy được hết sự tự do, cái chí của mình được thể hiện, được công nhận và bạn chơi phục sát đất. Thế mới là hay!
Ở tất cả các hội thi chim, ban tổ chức đều chấm rất chặt và khách quan. Chỗ thả chim và chỗ chấm thi đều có giám khảo nhưng không thể nhìn thấy nhau để tránh gài bài hay mua chuộc kết quả. Họ nhận lệnh qua tiếng trống để biết số báo danh của đàn chim mà chấm. Yêu cầu là đàn chim phải bay bốc thẳng, xoáy trên đầu người thả, không con nào được phép phá đàn. Mới thả thì đàn chim to bằng cái nong rồi nhỏ dần như cái nia, cái rổ, cái rá, cái chén, cái đồng xu, thậm chí như một cái đầu thuốc lá, không nhìn thấy cánh vỗ nữa.
Giám khảo chấm theo cách bay của cả đội và trừ điểm mỗi khi một con mắc lỗi: Nhất trích (một con bỏ), tiên hành (một con đi vượt trước đàn), tùy (một con lùi tụt lại), nhàn (đang bay cùng cả đàn thì một con không chịu vỗ cánh), đảo (đang bay lên thì một con hoặc cả đàn lại nhào xuống), sơ (cả đàn chia tách mỗi con một nơi)… Các lỗi nặng như đảo, như nhàn liền bị giám khảo thẳng tay gạch luôn ra khỏi danh sách, không được chấm nữa. Nhưng có những đàn chim mắc lỗi vẫn được đánh giá cao. Như có con chim mắc lỗi tùy (bay thụt lùi), nhưng cả đàn đã không bỏ con mắc lỗi ở lại, mà chúng dìu con yếu đó nhập vào giữ đàn. Sau đó cả đàn bay chào hội độ 9 vòng rồi bốc thẳng lên tầng thượng. Đàn chim đó thường là đàn gia đình và do những con chim ông - bà chỉ huy mới hay thế được.
Mỗi hội thi thường có 4 giải, một nhất, một nhì, hai ba; hội nào to có thêm giải đặc biệt. Giải thưởng cũng chỉ có giá trị động viên tinh thần là chính khi giải đặc biệt, giải nhất chỉ được vài triệu đồng, lại không phải bằng tiền mặt mà toàn các hiện vật như cờ, quạt... Chủ yếu là tinh thần, ai chơi chim mà nghĩ tới lợi lộc vất chất thì không bao giờ chơi nổi.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.