Kỳ cuối: Điều thiêng liêng nhất đã loé sáng ở nơi tăm tối nhất

Nguyễn Hoà Thứ bảy, ngày 01/02/2020 06:30 AM (GMT+7)
Để có được những nghi thức thiêng liêng, trang trọng trong giây phút kết nạp đảng viên đầy bí mật tại các nhà lao như Phú Quốc, Côn Đảo, các chiến sỹ cách mạng đã tìm đủ mọi cách để cất giấu những “báu vật” thiêng liêng như lá cờ đảng, ảnh Bác Hồ trước hàng loạt mối lo ngại bị bại lộ.
Bình luận 0

Buộc chỉ rồi nuốt cờ đảng vào họng để giấu

Tại nhà tù Phú Quốc vào năm 1972, sau khi có được lá cờ đảng và bức ảnh vẽ Bác Hồ, ông Nguyễn Thế Nghĩa đã trao cho Bí thư chi đoàn Nguyễn Trọng Dư cất giữ, bảo vệ.

Kể lại về những tháng ngày cam go khi ở trong tù Phú Quốc với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Dư bộc bạch, lúc đó ông là Bí thư chi đoàn trong đội cảm tử, do có tay nghề nên khi có vật dụng trong nhà bếp hỏng hóc ông hay được địch gọi đi sửa chữa.

Trước khi được giao nhiệm vụ gìn giữ 2 “báu vật” là lá cờ đảng và ảnh Bác Hồ, trong những lần gò tôn thay thế các vật dụng hỏng như vung cơm, lợi dụng tôn thừa ông đã bí mật lấy về để làm cuốc, xẻng, thậm chí cả khoan cho anh em cảm tử đào hầm trong tù với ý định vượt ngục.

Không những vậy, Bí thư chi đoàn Nguyễn Trọng Dư còn ngồi đan thép gai để làm nắp hầm (hình dáng giống chiếc giỏ xe máy). Trước sự kiểm tra gắt gao của địch, nhằm tránh để lộ việc đào hầm, ông cùng đồng đội đã trộn đất với xà phòng bánh và muối rồi lèn chặt để làm nắp hầm.

img

Tại trại giam Phú Quốc cách đây hàng chục năm, để bảo vệ lá cờ đảng, ông Nguyễn Văn Dư đã nuốt lá cờ vào họng trước sự kiểm soát gắt gao của địch.

Việc này để hạn chế việc địch dùng thuốn kiểm tra thì không phát hiện được.

Về nhiệm vụ bảo vệ lá cờ đảng và ảnh Bác Hồ, theo trí nhớ của ông Nguyễn Trọng Dư, ông đã bỏ 2 “báu vật” vào nilon rồi cất giấu ở gấu quần. Với các vật dụng khác như xẻng, cuốc để đào hầm, khi hầm chưa xong thì vùi xuống cát, vùi xuống nền nhà tù, khi đã có hình hài căn hầm, những thứ này sẽ được giấu ngay tại hầm.

Với một cựu tù tại trại giam tù binh Phú Quốc khác là ông Nguyễn Văn Dư, cựu tù binh Phú Quốc này cũng được giao nhiệm vụ cất giữ 1 cá cờ đảng khác làm bằng vải.

Với ông Nguyễn Văn Dư, để bảo vệ “báu vật”, mỗi lần địch lục soát ông đã cuốn nhỏ lá cờ vào túi nilon, dùng chỉ buộc vào răng rồi nuốt vào trong cổ họng.

Khi nguy hiểm qua đi, ông lại dùng chỉ lôi lá cờ vừa nuốt ra và treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở, củng cố quyết tâm của các chiến sỹ trong nhà tù.

Dưới lá cờ bằng vải do ông Nguyễn Văn Dư bảo vệ, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú đã vinh dự được kết nạp và đứng trong hàng ngũ của đảng.

Những buổi lễ kết nạp đảng thiêng liêng

Khi đã có được sự chuẩn bị chu đáo, những buổi lễ kết nạp đảng viên sẽ được bí mật diễn ra ngay trong nhà giam ẩm ướt, chật chội.

Với Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Nghĩa, theo lời ông kể về 1 buổi kết nạp đảng viên ở nhà tù Phú Quốc, do trong lao tù toàn xích sắt, cùm chân không sạch sẽ, khi kết nạp đảng viên mới, ông phải lấy 1 chiếc áo của chiến sỹ mới bị đưa ra Phú Quốc mặc vào trong người.

img

Cựu tù binh tại trại giam Côn Đảo Nguyễn Văn Hậu đã vẽ cờ đảng lên vách đá rồi thực hiện nghi lễ chào cờ.

Sau đó ông sẽ cài ảnh Bác Hồ, lá cờ đảng vào ngực trái ngay sát trái tim. Bên ngoài chiếc áo đó ông mặc tiếp một chiếc áo vá chằng chịt để nguỵ trang trước những con mắt tinh quái luôn kiểm tra của quân cảnh.

Khi kết nạp, ông Nghĩa ngồi quay về phía các đồng chí đảng viên, dùng người mình làm phông và sẽ mở khuy áo ra cho mọi người nhìn thấy lá cờ đảng và ảnh Bác Hồ.

Các đảng viên ngồi nhìn vào ảnh bác, giơ tay làm nghi thức trang trọng, tuy nhiên phải giả vờ như đang học văn hoá.

“Khi kết nạp đảng thì 2, 3 lần mở ra vì quân cảnh đi kiểm tra liên tục, nếu bị lộ là anh em sẽ hy sinh. Lá cờ và ảnh Bác treo đúng lên trái tim của mình, trái tim của người cộng sản là đẹp đẽ nhất, sạch sẽ nhất” – ông Nghĩa nói.

Với bản thân mình, ông Nghĩa đã chứng kiến buổi lễ kết nạp đảng trong tù cho 3 chiến sỹ cách mạng, tuy nhiên 2 trong 3 đồng chí đó đã hy sinh.

Ở ngoài nhà tù xa xôi, theo lời kể của ông Nguyễn Thế Nghĩa, các chiến sỹ cách mạng đã lợi dụng sơ hở của địch để lấy của chúng 1 chiếc đài rồi giấu vào thân của cây mục. Lúc này tình hình chiến sự trên cả nước, việc tiếp cập Nghị quyết của đảng, của Trung ương đều được cập nhật một cách nhanh chóng.

img

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban quản lý di tích nhà tù Hoả Lò đã mở gian trưng bày với chủ đề "Thắp lửa niềm tin". Trong ảnh là hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị đối thoại với nông dân do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức vào tháng 12/2019 tại gian trưng bày.

Ở một nhà tù khác, với cựu tù binh tại Côn Đảo Nguyễn Văn Hậu, ông cũng là một nhân chứng lịch sử khi là người được kết nạp đảng lúc đang bị giam giữ tại đây.

Là hạt nhân kết nạp đảng ở nhà tù Hoả Lò nên khi bị đày ra Côn Đảo, ông tiếp tục được các cán bộ cách mạng dìu dắt.

Vào ngày 1/5/1952, trong lúc đi lao động khổ sai ở nhà tù Côn Đảo, không có được lá cờ đảng như Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Nghĩa đã làm ở Phú Quốc, ông Hậu đã lấy san hô vẽ cờ đảng lên vách đá để thực hiện nghi lễ chào cờ.

Trong giây phút đó ông đã hứa, hứa lời hứa từ trái tim mình một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Ông chính thức đứng trong hàng ngũ đảng viên yêu nước kể từ thời điểm này.

Với ông Hậu, ông Nghĩa, ông Thiện, hay như nhiều đồng chí khác được kết nạp đảng trong những đại lao khét tiếng, mặc dù phải ở trong những hoàn cảnh không thuận lợi nhưng họ vẫn một lòng hướng về Đảng, về Tổ quốc.

Không có được những buổi lễ kết nạp đảng công khai như nhiều đồng chí, đồng đội khác ngoài lao tù, tuy nhiên những hình ảnh xúc động mà họ tạo nên trong khung cảnh tăm tối ngục tù càng chứng tỏ sự mạnh mẽ, kiên cường của người chiến sỹ cách mạng mãi mãi về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem