Kỷ lục của rừng

Anh Thơ Thứ bảy, ngày 04/01/2020 10:41 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường xuất khẩu nông sản, ngành lâm nghiệp vẫn lập được những kỷ lục mới nhờ nỗ lực mở rộng thị trường của ngành chức năng và doanh nghiệp; việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính cũng tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Bình luận 0

Lập kỷ lục trong gian khó

Theo thông tin Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) công bố tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành lâm nghiệp năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, năm 2019, xuất khẩu lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2018, vượt 6,6% kế hoạch (10,5 tỷ USD). Lâm sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi thì kỷ lục mới này của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ là một kết quả đáng ghi nhận.

img

Diện tích rừng có chứng chỉ bền vững ngày càng tăng.  Ảnh: T.L

"Cần tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng giống thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu”.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các thị trường xuất khẩu lâm sản chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên hiện, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc (xuất khẩu vào Mỹ chiếm 50,8% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước, Trung Quốc chiếm 10,5%). Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, chưa có dấu hiệu dừng lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường đối với xuất khẩu lâm sản Việt Nam.

"Bên cạnh đó, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn", ông Điển nói.

Điều đáng ghi nhận là, việc phát triển rừng của Việt Nam ngày càng bền vững, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến gỗ. Việt Nam đã chính thức trở thành nước thứ 50 tham gia hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC). Tính đến cuối năm 2019, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269.163ha trên địa bàn 24 tỉnh, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10.000ha. Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là 42.924ha.

Năm 2019, cả nước đã trồng được 239.152ha rừng, đạt 112,6% kế hoạch; khai thác lâm sản đạt khoảng 30 triệu mét khối; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỷ đồng. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo ông Phạm Văn Điển, tình trạng phá rừng trái pháp luật để lấy đất canh tác, khai thác lâm sản trái phép tại các địa phương vẫn còn xảy ra; công tác quản lý động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả; công tác kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp ở một số địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên.

Mục tiêu 12,5 tỷ USD

Năm 2020, toàn ngành lâm nghiệp đặt chỉ tiêu: Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD...

Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ tiếp tục bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; tăng giá trị rừng sản xuất trên một đơn vị diện tích…

Nhìn nhận về phát triển ngành lâm nghiệp trong thời gian tới, ông Võ Đại Hải - Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp cần có ý kiến để sản phẩm gỗ được xếp vào danh sách là sản phẩm chủ lực quốc gia. Làm được như vậy, đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ tốt hơn.

"Ngoài ra, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, thủy sản hết hiệu lực vào năm 2020. Tôi rất muốn chúng ta cũng có hỗ trợ thúc đẩy thêm để làm sao ra được một quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thêm cho công tác về phát triển giống"- ông Hải chia sẻ.

Từ kết quả đạt được năm 2019, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn yêu cầu, toàn ngành lâm nghiệp tập trung rà soát các chỉ tiêu về rừng để thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định không chỉ trong năm 2020 mà còn những năm tiếp theo.

"Cần tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng giống thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu”- Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn cần quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, chi trả và hoàn thiện những cơ chế chính sách về hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi, không chỉ là cải cách hành chính mà kể cả điều kiện về cơ sở hạ tầng để người dân, doanh nghiệp kinh doanh phát triển...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem