Kỷ lục hát quan họ: Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau

Thứ tư, ngày 11/04/2012 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vì những lời nhận xét thẳng thắn về kỷ lục mấy nghìn người hát quan họ tại Hội Lim 2012 mà PGS - TS Nguyễn Văn Huy bị Hội Những người yêu quan họ viết đơn đề nghị Bộ VHTTDL xử lý vì “phát ngôn sai trái”.
Bình luận 0

Câu chuyện bảo tồn di sản đang nóng lên theo chiều hướng không hay.

Không thích nghe nói thẳng?

Xung quanh kỷ lục 3.700 người cùng đồng thanh hát quan họ tại Hội Lim 2012, không chỉ riêng PGS - TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia lên tiếng phản đối, mà còn rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín khác cũng bày tỏ sự không đồng tình.

img
Hơn 3.700 người cùng hát quan họ trong Hội Lim 2012.

Chẳng hạn GS-TS Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN đã phát biểu với báo chí: “Tỉnh Bắc Ninh không thể coi kỷ lục hàng nghìn người hát quan họ là thành quả bảo tồn di sản. Đấy chỉ là hoạt động quần chúng hội hè vui vẻ thôi. Trách nhiệm của người quản lý là phải tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị, vẻ đẹp của quan họ là gì, chứ không phải hát quan họ đồng thanh như thế”.

Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì cho biết quan điểm: “Việc người ta tổ chức một dàn đại hợp xướng khổng lồ đến hơn 2.000 người để cùng đồng ca quan họ chắc chắn là việc làm đi ngược với truyền thống, triệt tiêu mọi dáng vẻ nghệ thuật đặc sắc vốn có. Đứng ở góc độ chuyên ngành, điều đó thật phản cảm”.

Tiếc là những lời góp ý chân thành này đã không “vừa tai” Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh - đơn vị có sáng kiến tổ chức cuộc diễu hành của hơn 3.700 người trong trang phục quan họ tại Hội Lim 2012 vừa qua.

Thế nên mới đây, Hội đã làm đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị xử lý “phát ngôn sai trái” của PGS-TS Nguyễn Văn Huy: “Việc làm của ông Huy đã phỉ báng, coi thường thế hệ chúng tôi - những người yêu dân ca quan họ, làm mất danh dự công dân của chúng tôi, chỉ trích tổ chức công nhận kỷ lục là khôi hài… Ông đã đánh đồng trái tim và lòng yêu quan họ của họ với sản phẩm vô tri vô giác là chiếc bánh giầy bánh chưng”.

Thực ra có thể hiểu khi ký lá đơn này gửi lên Bộ trưởng, ông Nguyễn Hữu Trọng – Chủ tịch Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh đã quá bức xúc khi một kỷ lục được kỳ công chuẩn bị như thế lại không nhận được sự hưởng ứng của các nhà khoa học.

Thế nhưng cái lòng “yêu dân ca quan họ” theo kiểu phong trào thế này chẳng khác nào làm hại di sản đã được UNESCO vinh danh này. Hãy nghe liền anh nổi tiếng Nguyễn Phú Hiệp ở làng quan họ Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), người vừa được chọn đi trình diễn quan họ tại Paris (Pháp) trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Thành lập Tổ chức UNESCO phát biểu: “Hát quan họ là để giao lưu, giao duyên, thì lại bắt trẻ con đi hát xin tiền. Rồi lại cho quan họ đi hát đồng ca, lập kỷ lục này kỷ lục kia. Những người tự nhận là hiểu quan họ rốt cuộc lại đi ngược lại tất cả những truyền thống của quan họ”.

Cái cần thì không lên tiếng

Khi phóng viên NTNN liên lạc với PGS-TS Nguyễn Văn Huy để tìm hiểu phản ứng của ông trước lá đơn của Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh, ông trả lời chừng mực: “Quan điểm của tôi về kỷ lục này thì tôi đã trình bày với báo chí và không có gì phải nói lại. Hội gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL thì hãy để Bộ trưởng trả lời”.

Những người yêu quan họ đích thực, cho dù không phải là hội viên của Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh đang mỗi ngày một thấy buồn lòng khi đó đây liên tục có những thông tin người ta đang lợi dụng quan họ để bóp méo di sản này bằng những việc làm kỳ quái.

img Việc hơn 3.000 người hát quan họ không đúng với thể thức sinh hoạt quan họ ngày xưa. Quan điểm của các nhà khoa học thì phải bảo tồn nó càng gần với nguyên gốc là tốt nhất. img

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan

Trong Hội Lim 2012, một “liền chị” 3 tuổi bị đem ra hát để xin tiền, còn khắp nơi trong hội là không khí như chợ vỡ, ồn ào loa đài đến mức không nghe được một câu hát đúng nghĩa.

Trong Lễ hội Đền Hùng 2012 ngày 10.3 âm lịch vừa qua, một nhóm hát quan họ nhí nhố với những bản nhạc sàn nhảy, một “liền chị” còn đến ngồi luôn trên đùi khách để xin tiền...

Thiết nghĩ trước những hình ảnh phản cảm, nhố nhăng, phỉ báng quan họ như vậy thì Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh phải ngay lập tức có phát ngôn phản đối, yêu cầu các cơ quan quản lý văn hóa xử lý dứt điểm để trả lại vẻ đẹp thuần khiết cho quan họ mới phải. Nhưng cho đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hội vẫn lặng im. Còn trước những lời góp ý chân thành và thẳng thắn của các nhà nghiên cứu, thay vì cần phải tiếp thu, phải xem lại mình, thì Hội lại cảm thấy bị xúc phạm, bị phỉ báng. Thế mới thấy câu “sự thật mất lòng” của ông bà ta không sai chút nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem