Đã mấy ngày sau sự kiện vinh danh “Cặp bánh trung thu kỷ lục Việt Nam” ở Quảng trường Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), không hiểu sao đến giờ tôi vẫn chưa thấm gì được cái thông điệp (được cho là từ những nhà tổ chức) rằng sự kiện sẽ truyền tải thông điệp “yêu thương, gắn kết gia đình”, cũng chưa thấy nó “nhiều ý nghĩa nhân văn, đậm tính dân gian” như nhiều tờ báo ca tụng.
Cặp bánh trung thu mỗi cái đường kính 95cm, cao 20cm, nặng đến 150kg thì cỡ tuổi đã “ngũ thập nhi” như tôi đúng là chưa từng thấy. Cặp bánh 3 tạ này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục là cặp bánh trung thu lớn nhất Việt Nam tính đến nay.
Nhưng ngẫm mà thấy thì kỷ lục bánh trung thu lớn nhất cũng như kỷ lục “Bánh chưng lớn nhất thế giới” ở Hà Tây năm 2002, nồi lẩu khủng 2.000 người ăn ở Hội hoa xuân TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) năm 2015, hay tô phở bò ăn liền lớn nhất thế giới thực hiện tại TP.HCM năm 2018..., có cái là kỷ lục Việt Nam, có cái là kỷ lục thế giới, nhưng rốt cuộc chẳng thấy nó có ý nghĩa gì. Tỉ như mục tiêu của Kỷ lục Việt Nam, theo giới thiệu của chính VietKings là “nhằm mục đích quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến cộng đồng các quốc gia trên thế giới” thì không hiểu “kỷ lục bánh trung thu lớn nhất” này quảng bá được cái gì cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến cộng đồng các quốc gia trên thế giới?
Ấy là chưa nói đến nguồn gốc của bánh trung thu thì nay rất nhiều nguồn tư liệu ghi là của Trung Quốc. Rằng tương truyền ở cuối thời Nguyên của Trung Quốc (1271-1368) có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn, tổ chức nhân dân vùng lên chống lại bè lũ thống trị tàn bạo. Thời bấy giờ, để bí mật truyền tin tức và mệnh lệnh, người ta làm những chiếc bánh hình tròn rồi nhét tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng 8 âm lịch. Những chiếc bánh này đã trở thành phương tiện liên lạc an toàn và hiệu quả. Tin tức hô hào khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi. Từ tích này mà về sau, người Trung Quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày rằm tháng 8 để kỷ niệm.
Nếu đúng nguồn gốc của bánh Trung thu là vậy thì cha sinh mẹ đẻ nó là người Trung Quốc. Vậy thì dân nước Nam - vốn là tác giả của hàng chục hàng trăm thứ bánh khiến dân Tây thèm thuồng - có cần phải vinh danh bánh trung thu?
Thôi thì đành chờ nghe các chuyên gia về văn hóa ẩm thực lý giải dùm vậy!
Rồi thì cái sự to, sự “khủng” như tô phở khủng, bánh chưng khủng, kể cả bánh trung thu khủng này, xét cho cùng cũng chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh” chứ tích sự gì. Kỷ lục không ai dại làm để bán, vì bán thì cầm chắc chẳng ai mua, thế thì kỷ lục để làm gì?
Nhưng dân xứ ta lắm người vẫn mê lú trong những thứ hư danh. Tỉ như nghe nói trường quốc tế, chẳng biết là quốc tế cái thứ gì vẫn đua nhau vung tiền vào đấy cho con học. Nghe xưng nhà báo quốc tế là sướng tê người lên vì được tiếp với đón. Thấy nhãn hàng ghi chất lượng cao là cầm chắc cái ruột nó phải tinh tú hàng đầu rồi. Cứ thế mà chết từ cái dại này qua cái dại khác. Cho nên, vị nào sáng tạo ra câu “người tiêu dùng thông minh” rất đáng được khen, vì nó như một lời nhắc nhở mọi người trước mọi thứ hư danh.
Mà dù biết là hư danh thì người ta vẫn cứ lao vào. Vì hẳn là có lợi ích thì người ta mới làm. Thì đấy, nhiều người khẳng định là ở xứ ta phải cần những cái hư danh ấy để làm thương hiệu. Có thương hiệu mới dễ bán hàng, nên việc bỏ tiền ra mà mua giải thưởng, mua chứng nhận chất lượng nọ kia lâu nay đã là chuyện rất bình thường.
Còn cái việc kỷ lục bánh trung thu ấy, xin mách nước luôn là ai ganh tỵ thì cứ đơn giản là bỏ ra vài cân bột nữa cho nó hơn cái trọng lượng 3 tạ lần này hẳn là chắc chắn lại giành kỷ lục. Có thế thì nhiều người sẽ có việc mà làm, cả làng lại cùng vui vẻ, hào hứng vinh danh, xác nhận kỷ lục.
Hèn gì chưa biết lợi hại ra sao mà thiên hạ vẫn cứ vỗ tay hoan hô kỷ lục?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.