Trịnh Nhất Tẩu là nữ hải tặc quyền lực nhất trong lịch sử thế giới.
Theo Ancient-Origins, cuộc đời hồi nhỏ của Trịnh Nhất Tẩu (vợ của họ Trịnh) không được nhiều người biết đến. Trịnh sinh ra ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc năm 1775. Lớn lên, Trịnh Nhất Tẩu trở thành kỹ nữ, làm việc tại một nhà thổ nổi trên biển ở thành phố Quảng Châu.
Năm 1801, cô ta lọt vào mắt tên cướp biển Trịnh Nhất, chỉ huy hạm đội mang tên “Cờ đỏ”. Hiện các nhà lịch sử vẫn tranh cãi vì sao hai người này lại đến với nhau.
Một số sử gia cho rằng, Trịnh Nhất đã ra lệnh cướp phá nhà thổ và ra lệnh cho thuộc hạ mang về cô gái điếm mà hắn yêu thích. Có sử gia lại nói, Trịnh Nhất chỉ đơn giản là muốn cầu hôn Trịnh Nhất Tẩu.
Trịnh Nhất Tẩu chỉ đồng ý sau khi tay cướp biển đồng ý trao một nửa chiến lợi phẩm thu được và cô ta được hỗ trợ chỉ huy nhóm cướp biển. Cả hai sau này cùng nhau lãnh đạo hạm đội cướp biển Cờ đỏ.
Chỉ vài năm sau đó, đội tàu Cờ đỏ từ 200 tàu đã phát triển lên tới 600 và thậm chí còn đạt mức 1.800 tàu. Đội tàu chính, dẫn đầu hạm đội treo cờ đỏ, trong khi các tàu còn lại có màu đen, vàng, xanh, trắng.
Tàu hải tặc treo cờ đỏ.
Hạm đội cướp biển do hai vợ chồng chỉ huy còn liên kết với những tay cướp biển khác, tạo thành một liên minh mạnh mẽ. Trịnh Nhất qua đời năm 1807, chỉ 6 năm sau khi kết hôn với Trịnh Nhất Tẩu. Thời điểm này, hạm đội cướp biển Cờ đỏ có 50.000-70.000 tên cướp biển trung thành.
Không muốn quay về cảnh làm kỹ nữ, Trịnh Nhất Tẩu hiểu rằng đây là cơ hội để cô ta nổi lên thành một trong những nữ cướp biển quyền lực nhất. Trịnh Nhất Tẩu thuyết phục thành công cấp phó Trương Bảo, vốn là con nuôi của hai vợ chồng cướp biển quyền lực.
Nhận được sự ủng hộ từ Trương Bảo, Trịnh Nhất Tẩu dễ dàng làm chủ cả hạm đội cướp biển. Người phụ nữ quyền lực lãnh đạo nhóm cướp biển hàng chục ngàn người một cách nghiêm ngặt và có kỷ luật.
Cô ta tập trung vào kinh doanh và hoạch định chiến lược. Trịnh Nhất Tẩu còn thành lập ra mô hình chính phủ thu nhỏ. Hải tặc trong hàng ngũ bị ràng buộc và được bảo vệ bởi luật pháp và thuế.
Chiến lợi phẩm thu được trong các phi vụ cướp bóc phải được đăng ký với hạm đội tàu chính trước khi được chia cho những tên cướp biển tương ứng. Tàu cướp chiến lợi phẩm chỉ được nhận 20%, 80% phải nộp vào quỹ của hạm đội.
Chân dung nữ hải tặc Trịnh Nhất Tẩu.
Trịnh Nhất Tẩu cũng áp đặt quy định chặt chẽ trong việc bắt giữ tù binh, đặc biệt với tù nhân là nữ. Các tù nhân nữ nếu “xấu xí” sẽ được trả tự do ngay lập tức, không bị đánh đập hay hành hạ.
Cướp biển được phép lựa chọn tù nhân nữ làm vợ, nhưng phải cam kết sẽ chăm sóc và đối xử tốt với người đó. Mọi hành vi bất trung và hiếp dâm nếu phát hiện sẽ bị xử tử. Những tên cướp biển vi phạm luật lệ, nhẹ sẽ bị cắt tai hoặc tra tấn dã man.
Trịnh Nhất Tẩu còn nắm quyền lãnh đạo nhiều ngôi làng ven biển. Một số ngôi làng phải đóng thuế và áp đặt các khoản thu theo quy định cướp biển. Ngôi làng như vậy trải dài từ Ma cao cho đến Quảng Đông.
Do kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động tội phạm ở vùng biển quan trọng nên Trịnh Nhất Tẩu có thể đảm bảo một tuyến đường an toàn qua đây cho bất kỳ thương gia nào muốn trả tiền. Tất nhiên, nạn nhân không trả tiền “bảo kê”, hạm đội cướp biển Cờ đỏ có thể mặc sức cướp phá. Nhiều người Trung Quốc khi đó gọi Trịnh Nhất Tẩu là “Nỗi khiếp sợ trên biển”.
Trịnh Nhất Tẩu được mệnh danh là "Nỗi khiếp sợ trên biển".
Chính quyền nhà Thanh không ít lần muốn đánh tan hạm đội cướp biển do Trịnh Nhất Tẩu chỉ huy nhưng không thành công. Nhà Thanh phải nhờ đến sự giúp đỡ của hải quân Bồ Đào Nha và Anh cũng như các tàu Hà Lan, bằng cách trả cho họ một số tiền lớn.
Suốt hai năm giao chiến với Trịnh Nhất Tẩu, các lực lượng phương Tây chỉ chuốc lấy những thiệt hại nặng nề. Nhận thấy Trịnh Nhất Tẩu không thể bị đánh bại, Hoàng đế nhà Thanh đưa ra đề nghị ân xá và nói: "Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa".
Đàm phán giữa Trương Bảo và chính quyền nhà Thanh khi đó rơi vào bế tắc. Trung Quốc muốn cướp biển phải quỳ xuống xin ân xá và có những bất đồng với số tài sản cất giữ.
Biết tin, Trịnh Nhất Tẩu quyết định một mình đàm phán với Tổng đốc Quảng Đông, đi cùng cô ta đến đàm phán chỉ có 17 phụ nữ và trẻ em. Đàm phán kết thúc với việc Trịnh Nhất Tẩu được quyền giữ lại mọi của cải.
Hình ảnh được cho là Trịnh Nhất Tẩu.
Để giải quyết vấn đề liên quan đến việc quỳ gối, Tổng đốc Quảng Đông đồng ý tác thành cho Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo làm vợ chồng. Và do đó, hai người sẽ phải quỳ lạy để cảm ơn.
Trong số 80.000 tên cướp biển quy hàng, hầu hết đều được ân xá, chỉ có 126 tên bị hành quyết và 250 tên bị phạt tù vì những tội ác nghiêm trọng. Nhiều tên cướp biển sau này còn gia nhập quân ngũ.
Sự nghiệp cướp biển của Trịnh Nhất Tẩu như vậy kết thúc vỏn vẹn trong khoảng 10 năm. Cô ta có một người con với Trương Bảo. Khi Trương Bảo qua đời, Trịnh Nhất Tẩu trở về Quảng Châu, mở sòng bạc và sống tại đó cho đến khi trút hơi thở cuối cùng năm 1844, ở tuổi 69.
Câu chuyện về cuộc đời Trịnh Nhất Tẩu được lan truyền trên khắp thế giới. Trở thành nữ hải tặc quyền lực nhất, làm chủ hạm đội khổng lồ với hàng chục ngàn người, Trịnh Nhất Tẩu vẫn đủ tỉnh táo để chớp lấy cơ hội hoàn lương.
Có thể nói, Trịnh Nhất Tẩu không chỉ là cướp biển thành công nhất mọi thời đại mà còn có thể thoát khỏi bị truy tố và sống trong cảnh giàu sang đến hết đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.