Kỳ thi riêng "trăm hoa đua nở", bất công gì cho học sinh không có điều kiện dự thi?

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 25/03/2023 12:10 PM (GMT+7)
Sự bất công lớn nhất khi kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi riêng "nở rộ" là chỉ tiêu dành dành cho kỳ thi này tăng cao; chỉ tiêu các phương thức còn lại sẽ ít đi. Như vậy, nếu không tham dự kỳ thi, học sinh sẽ có nhiều thiệt thòi, bất công trong cuộc đua vào đại học.
Bình luận 0

Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia. Kết quả kỳ thi này hiện cũng được rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đăng ký sử dụng. Điều này cho thấy uy tín của kỳ thi ngày càng lớn mạnh.

Tại TP.HCM, không chỉ ĐHQG TP.HCM tổ chức kỳ thi riêng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng triển khai kỳ thi ĐGNL chuyên biệt từ năm 2022 với khoảng 2.000 thí sinh dự thi. Năm 2023, có thêm hai trường thông báo tổ chức kỳ thi riêng (kỳ thi đánh giá chất lượng đầu vào trên máy tính) gồm Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn. 

"Nở rộ" kỳ thi riêng, học sinh nghèo thiệt thòi đủ kiểu

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ, sở dĩ các trường tổ chức kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực là để đánh giá chất lượng đầu vào của thí sinh và đa dạng hóa phương thức tuyển sinh... Trước đây, các trường sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, tuy nhiên càng về sau, các trường càng ít tin tưởng vào năng lực của học sinh thông hai phương thức này vì có quá nhiều tiêu cực.

img

PGS.TS Đỗ Văn Dũng tại một chương trình tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: NVCC

Hiện nay, theo đánh giá của ông Dũng, có ba trường tổ chức kỳ thi ĐGNL hiệu quả là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa. Kỳ thi của 3 đơn vị này nhận được sự tham gia của đông đảo thí sinh và cũng có nhiều trường đăng ký sử dụng kết quả. Xét về ưu điểm, đây là kỳ thi được tổ chức nhanh chóng, không kéo dài nên cũng thuận tiện cho học sinh; ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức thi trắc nghiệm và có kết quả sau 1 tuần, ĐH Sư phạm TP.HCM và các trường dự kiến đều tổ chức thi trên máy tính, có kết quả ngay sau khi thi...

Dù vậy, ông Dũng cho rằng, nhược điểm của kỳ thi riêng cũng rất nhiều. Trong đó, vấn đề lớn nhất tạo ra sự bất công lớn đối với học sinh các vùng miền, nhất là học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa.

Ông Dũng phân tích, hiện nay, kỳ thi đánh giá năng lực được rất nhiều trường lựa chọn làm phương thức xét tuyển chính, chỉ tiêu dành cho phương thức lên đến 60%. Khi chỉ tiêu phương thức này cao thì chắc chắn các phương thức còn lại như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ… sẽ phải giảm. Mà chỉ tiêu giảm thì đi đôi với việc điểm xét tuyển sẽ tăng lên. 

Như vậy, nếu học sinh không tham gia thi đánh giá năng lực sẽ mất lợi thế, bị cạnh tranh nhiều hơn, cần điểm số cao hơn để "đua" vào đại học ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc xét học bạ. Không ít trường hợp đáng lẽ dư điểm để và trường top, ngành hot nhưng cuối cùng lại rớt nguyện vọng, phải lựa chọn trường khác, mất đi cơ hội có công việc tốt để thay đổi cuộc đời.

Kỳ thi riêng đang "trăm hoa đua nở", không dự thi học sinh sẽ thiệt thòi gì? - Ảnh 3.

Gần 90.000 thí sinh xác nhận dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Thêm vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực chủ yếu tổ chức ở các thành phố lớn. Mặc dù ĐH Quốc gia TP.HCM đã dần mở rộng, bao phủ kỳ thi ở 21 tỉnh thành nhưng số lượng học sinh tại thành phố lớn dự thi vẫn đông hơn cả; học sinh ở các tỉnh thành tham gia ít hơn vì điều kiện kinh tế không cho phép. Đối với các trường như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Sài Gòn, việc tổ chức kỳ thi riêng chủ yếu tổ chức ở TP.HCM, không phải học sinh nào cũng có điều kiện để dự thi - nhất là đối với học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo.

Làm thế nào để mang lại sự công bằng?

Là một người đã đi đến hầu hết các tỉnh thành, các cơ sở giáo dục để gặp gỡ, tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, hiện có sự chênh lệch  lớn về cơ sở vật chất, đặc biệt là trang bị máy tính ở thành thị và nông thôn. Có rất nhiều học sinh nghèo ở khắp nơi chưa được tiếp cận công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại để phục vụ việc học hành, thi cử.

Trong khi đó, kỳ thi riêng ở một số trường thực hiện hoàn toàn trên máy tính. Đây cũng sẽ là một rào cản lớn khiến học sinh nông thôn thua thiệt với học sinh thành thị khi tham gia kỳ thi chung. Theo ông Dũng, khi đã quá quen thuộc với máy tính, con chuột; thành thạo các kỹ năng, thao tác trên phần mềm... thì học sinh sẽ thao tác nhanh hơn, làm được nhiều câu hơn trong bộ đề thi. Ngược lại, đối với những học sinh ít hoặc chưa từng được tiếp cận với máy tính, việc thi đánh giá chất lượng đầu vào trên máy tính sẽ khó khăn, thao tác chậm, luống cuống, không thể làm tốt bài thi...

Kỳ thi riêng đang "trăm hoa đua nở", không dự thi học sinh sẽ thiệt thòi gì? - Ảnh 4.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt trên máy tính tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2022. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Bên cạnh đó, khi kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực nhận được sự quan tâm lớn của học sinh nên ở các thành phố lớn cũng xuất hiện các "lò" ôn, luyện thi. Ông Dũng cho rằng, việc ôn, luyện để đi thi đánh giá năng lực thì liệu có đánh giá được năng lực thật sự của học sinh hay không? Chưa kể, điều này cũng tạo sự bất công với học sinh ở các địa phương không có điều kiện ôn, luyện thi.

Ngoài những vấn đề nêu trên, ông Dũng cũng cho rằng, việc "nở rộ" kỳ thi riêng cũng chẳng khác gì quay trở về thời kỳ trước khi mà các trường tự tổ chức thi cao đẳng, đại học. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng lớn cho phụ huynh, học sinh khi phải tốn chi phí khăn gói lên các tỉnh, thành phố dự thi... mà còn có nhiều hoài nghi về chất lượng, chuẩn đề thi. Ông Dũng cho rằng, hầu hết các trường tự ra đề thi, trong khi đề đủ chuẩn phải là người được đào tạo bài bản về kỹ thuật đánh giá giáo dục mới được.

Từ những bất cập này, PGS.TS Đỗ Dũng cho rằng, về lâu về dài, chúng ta cần mở ra các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi đánh giá năng lực cho học sinh. Đây là việc đã được đề xuất đưa ra trong cuộc họp Hội đồng Quốc gia giáo dục trước đây nhưng chưa được thực hiện.

Ông Dũng cho biết, trung tâm này độc lập hoàn toàn với các trường, hội tụ các chuyên gia về ra đề để đảm bảo đề thi chuẩn. Đồng thời, bất cứ thời điểm nào các học sinh sẵn sàng có thể tới đăng ký thi và lấy kết quả để xét tuyển.

Thêm vào đó, để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh, đơn vị tổ chức thi nên đi khảo sát thêm địa điểm thi, mang kỳ thi đến với tất cả các vùng miền để học sinh vùng sâu, vùng xa có cơ hội tham gia mà không quá tốn kém. 

"Đã đánh giá năng lực thì phải đồng đều, khi đã tổ chức được cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa... thì các trường nên bỏ các chỉ tiêu như xét điểm tốt nghiệp THPT để quy về một mối, toàn bộ chỉ tiêu dành cho kỳ thi đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, các trường không cần phải "trăm hoa đua nở", đua nhau mở kỳ thi riêng mà hãy để cho đơn vị có kinh nghiệm, có uy tín như ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện. Các trường cùng phối hợp để tổ chức kỳ thi, lấy điểm kỳ thi để xét tuyển sẽ mang lại sự công bằng cho học sinh", ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem