Kỳ thú bốn ngày xuống biển, lên non

Như Nguyễn/Thế giới tiếp thị Thứ bảy, ngày 08/08/2015 15:00 PM (GMT+7)
Ùa vào làn nước mặn trong vắt, hít thở không khí trong lành buổi sớm mai, tắm biển cho đã đời đến khi luồng gió nam (gió mùa hè ở miền Trung gọi là gió Lào) thổi hơi nóng luồn qua lưng, chúng tôi mới tiếp tục lên xe quay về Vạn Giã...
Bình luận 0

Bởi muốn một tour ngắn chỉ vỏn vẹn bốn ngày đêm từ TP.HCM mà có thể thưởng thức đủ mùi vị cát trắng biển xanh và cả không khí mát mẻ của vùng cao nguyên Đà Lạt, với hành trình tự chọn, ông bạn tôi vốn là dân thổ địa đã chấm toạ độ dừng chân đầu tiên là Đại Lãnh.

img

Khởi hành từ Sài Gòn lúc 19 giờ, xe qua hầm chui Thủ Thiêm vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Vì hai thùng vang Cabernet Sauvignon của ông bạn đồng hành không đủ ru ngủ nên chúng tôi đã may mắn được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục: Biển Nha Trang trước bình minh.

Qua khỏi Cam Ranh, ôtô rẽ sang con đường chạy dọc bãi Dài cũng là một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ. Từ đường Trần Phú, chúng tôi đi thẳng lên đường ôm theo bờ biển đi qua Lương Sơn ra quốc lộ. Đoạn đường xẻ chân núi dài khoảng 10km nhìn xuống vịnh biển xanh phẳng lặng thực sự làm tim tôi thắt lại. Nếu không cần thiết dừng ăn sáng, ôtô trực chỉ khoảng hơn một tiếng sau là đến bãi biển Đại Lãnh.

Đại Lãnh biển đẹp nhất

Cách thành phố Nha Trang khoảng 80km và cách thị xã Tuy Hoà khoảng 40km, nằm kẹp giữa hai đèo là đèo Cổ Mã và đèo Cả, tựa lưng vào núi, bãi biển Đại Lãnh dài gần 3km cong cong như vầng trăng lưỡi liềm dát bằng cát trắng thoai thoải và mịn màng, phía sau là hàng dương rủ bóng.

Buổi sáng sớm, biển Đại Lãnh yên ả, sóng nhẹ để bạn có thể đi ra thật xa bờ mà không sợ đuối. Tuy khá nổi tiếng, nhưng đến nay Đại Lãnh vẫn còn là một bãi biển hoang vắng, phần nhiều có lẽ do nằm lỡ làng so với địa điểm du lịch Nha Trang chăng? Thật ra, Đại Lãnh từ lâu vẫn có dịch vụ du lịch do một đơn vị địa phương cung cấp, nhưng lựa chọn tốt nhất là chỉ nên thuê kiốt – mỗi kiốt/mười ghế có giá vài trăm ngàn, hoặc mang theo lều bạt kiểu cắm trại ngoại trừ ở qua đêm.

Và nếu đã lựa chọn cách 2, tại sao bạn không mang theo một ít dụng cụ, bếp gas… vì chỉ đi bộ cách đó dăm phút là đến chợ thị trấn, có đủ các thứ hải sản tươi rói vừa từ biển về để tự chế biến. Đáng kể nhất là mực cơm. Chỉ cần một cái nồi nhỏ, mực để nguyên rửa sạch, một ít tỏi đặt lên bếp gas là có món mực hấp thượng hạng. Vừa nhâm nhi mực cơm hấp, vừa tắm biển cho đã đời cho đến khi luồng gió nam nóng hổi thổi thốc qua lưng, chúng tôi chuẩn bị lên xe quay về Vạn Giã.

Ở đập Hốc Chim

img

Đường lên Hốc Chim.

Buổi tối Vạn Giã êm đềm tĩnh mịch, tìm một góc quán nào đó không khó, vì thị trấn chỉ loanh quanh trong khoảng độ 1 – 2 cây số vuông, ngồi nhâm nhi ly càphê nghe trong không gian vang vọng tiếng còi tàu và tiếng chuông nhà thờ đổ là một trải nghiệm hiếm có, trước khi trở về hoạch định chuyến dã ngoại hôm sau.

Theo hướng đạo của ông bạn đồng nghiệp quê Vạn Giã, chúng tôi chọn hành trình ngược về phía núi. Có nghĩa là, phải thức dậy thật sớm, ra chợ cá chọn mua mớ cá nục tươi, vài ký tôm “bàn chải”, và sò mòng thịt săn chắc hơn sò lông… thực phẩm ướp sẵn và chuẩn bị thức uống mang theo. Từ thị trấn, xe theo đường mòn nhỏ chạy về hướng Tây khoảng 5km là đến chân núi Hốc Chim. Đây là ngọn núi cao 900m có rừng cây tạp và nhiều cây bụi.

Ngay dưới chân núi Hốc Chim là một con đập chắn ngang dòng suối chạy len lỏi qua những gộp đá đổ xuống từ đỉnh núi. Tìm những phiến đá to phẳng nằm mé trên đập, giữa những lùm cây phủ bóng mát, hạ trại.

Thật khó mà cưỡng lại sức mời gọi của dòng suối mát lạnh giữa cái nóng mùa hè gần 40 độ C, nhưng bạn tôi đành nán lại để nhóm lửa. Khi than củi đã đượm và mùi cá nục nướng đã sực nức thì giữa nước suối mát và ngồi bên bếp than không biết lựa chọn nào là dễ dàng hơn? Bia ướp lạnh bằng nước suối, rượu đế Ninh Hoà, cá nướng Vạn Giã trong tiếng chim hót lẫn tiếng suối rì rào, cả một ngày dài trước mặt chẳng đáng là bao…

img

Trên suối Rễ ở Hốc Chim, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.

Khi mặt trời chếch 45 độ hướng Tây (khoảng 2 giờ chiều) là lúc có thể quay xe về Vạn Giã trả phòng, khởi hành về Diên Khánh lên thành phố sương mù, vì chắc bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội ngắm cảnh buổi chiều vàng trên con đường quyến rũ nối liền hai vùng khí hậu đặc sắc nhiệt đới và ôn đới giữa mùa hè.

Lên xứ Đà

Từ Diên Khánh theo đường 723 lên Khánh Vĩnh, trước khi đến TP.Đà Lạt phải đi qua một con đèo – điểm lý thú nhất khi lựa chọn hành trình này. Cung đèo nối liền thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Đà Lạt có tên là Omega, hay còn gọi khác là đèo Hòn Giao. Dài 33km, hình như đèo dài nhất Việt Nam. Đèo vắt qua ngọn núi nằm ở độ cao 1.000 – 1.500m so với mực nước biển. Có thể cảm nhận nhiệt độ thay đổi thấy rõ khi lên cung đường này, nhiệt độ giảm nhanh và sương mù giăng phủ bạc trắng một màu. Nên dừng xe tại đỉnh đèo (ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hoà) ít phút, để đứng giữa lớp sương mù giăng kín nghe tiếng thú rừng kêu, tiếng suối chảy, có thể chụp ảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vườn quốc gia Bidoup Núi Bà – nơi được cho là có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất Việt Nam.

img

Khu du lịch Đất Sét ở Đà Lạt.

Đà Lạt mùa này dễ làm du khách thất vọng vì cái lạnh hiếm hoi. Tuy nhiên, không khí ban đêm khá dễ chịu, vì có thể không cần đến áo khoác – một lợi thế cho cánh chị em. Vì có những một ngày rưỡi trước khi về lại Sài Gòn, chúng tôi cứ tận hưởng không khí mát mẻ và nghiên cứu ẩm thực của một vùng đất thiên thần cho thăm thú và nghỉ dưỡng này. Sáng mai, trong lúc nhấm nháp ly càphê Tùng xưa cũ, hãy chọn những điểm du lịch camera tiếp theo cho cả bọn trong cái danh sách dài dằng dặc ở vùng đất đã nhiều phôi pha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem