Đề xuất đưa bệnh nhân 91 về nước trên ghế thương gia.
Đến từ Motherwell, xứ Scotland, Vương quốc Anh nên bệnh nhân số 91 (tên S.C, 43 tuổi) nhận được sự quan tâm lớn của báo giới đất nước này.
Rời quê hương vì thích sống ở Việt Nam
Một tuần trước, hãng thông tấn Reuters (trụ sở chính tại Anh) đã nhanh chóng thông tin: Phi công Anh mắc Covid-19 ở Việt Nam có thể được xuất viện sớm.
Reuters phân tích trường hợp của anh S.C đã thu hút sự chú ý của cả đất nước Việt Nam - nơi sự kết hợp giữa xét nghiệm có mục tiêu và cách ly kiểm dịch tích cực đã kiểm soát số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức thấp ấn tượng và không có trường hợp tử vong.
Với phần lớn bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã hồi phục, tin tức về trường hợp có nguy cơ trở thành ca tử vong đầu tiên đã thúc đẩy sự hỗ trợ quốc gia, trong đó hàng chục người đã đề nghị được hiến phổi. Reuters không quên nhắc đến đoạn clip ngắn chứng tỏ sự hồi phục đáng kinh ngạc của bệnh nhân 91 sau đó: Cảnh anh giơ chiếc khăn của câu lạc bộ bóng đá Motherwell quê hương để tạo dáng chụp hình khi gặp lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP HCM cùng một nhà ngoại giao Anh.
Nhiều tờ báo Anh khác như Daily Mail, Scottish Daily Mail, Mothewell Times… cũng cập nhật tin tức về bệnh nhân đặc biệt này.
Cuối tháng 5, khi bệnh nhân người Anh còn nguy kịch, tờ Scottish Daily Mail đã có bài báo lớn với nhan đề: "Các bác sĩ hàng đầu Việt Nam đang chiến đấu để giữ tính mạng cho phi công Scotland, 43 tuổi". Trả lời phỏng vấn của Scottish Daily Mail, một người bạn của bệnh nhân 91 chia sẻ anh S.C đã có một vài công việc ở Anh nhưng quyết định chuyển đến Việt Nam từ tháng 3-2020 vì thích sống ở đây và được đề nghị mức lương cao hơn.
"Anh ấy có căn hộ riêng, ở một mình, không có bạn đời hay con cái. Chúng tôi từng nói chuyện khi S.C còn tỉnh. Anh ấy hầu như mất ngủ trong 6 ngày và bắt đầu bị ảo giác - đó là khi anh ấy được đặt nội khí quản…" - người này cho hay.
Rất tiếc, sau chuyến bay đầu tiên cho Vietnam Airlines, anh đã mắc bệnh và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy gần 100 ngày. Bài báo kể về tình trạng tồi tệ của anh lúc đó cũng như sự nỗ lực của cả đất nước Việt Nam để giành lấy sự sống. Scottish Daily Mail không quên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: "Các chuyên gia và bác sĩ giỏi nhất sẽ cố gắng cứu ông C."; đồng thời trân trọng nhắc đến việc nhiều người Việt Nam đã đề nghị hiến phổi cứu viên phi công, trong đó có một cựu quân nhân đã 70 tuổi.
Sự hồi phục của viên phi công người Anh thu hút sự quan tâm của báo chí thế giới về thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam Ảnh: Scottish Daily Mail
Đón đầu "cơn bão Cytokine" tử thần
Theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), béo phì làm tăng 40% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, trong đó "cơn bão Cytokine" thường xảy ra ở những bệnh nhân béo phì. "Cơn bão Cytokine" là một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài, làm cho bệnh tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. "Cơn bão Cytokine" tử thần đã tấn công vào hầu hết các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân nặng nhất Việt Nam. May mắn, anh đã được tiếp cận nhanh chóng với các kỹ thuật đỉnh cao, nổi trội nhất là kỹ thuật lọc máu và ECMO. Có sự chuẩn bị chu đáo, dựa trên các hiểu biết về những căn bệnh tương tự trước đó đã giúp Việt Nam thành công.
Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, đầu tháng 5, Đại học Y khoa Georgia ở Augusta (Mỹ) mới công bố một nghiên cứu cho thấy dùng thiết bị lọc máu thay cho lọc thận thông thường sẽ giúp làm dịu "cơn bão Cytokine" ở bệnh nhân Covid-19. Còn hệ thống ôxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO, khi nhắc về bệnh nhân số 91, các báo nước ngoài luôn phải kèm theo một đoạn giải thích dài. Bởi lẽ, đó vẫn là một kỹ thuật cao, không phải bệnh viện lớn nào cũng làm được, ngay cả các nền y học được coi là tiên tiến hơn Việt Nam.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, bệnh nhân 91 còn được hưởng lợi từ hệ thống cách ly kiểm dịch chặt chẽ của Việt Nam: Hạn chế được số ca, tức hạn chế được số bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt. Như vậy, Việt Nam mới có thể dốc toàn lực để cố gắng cứu các bệnh nhân nặng.
Ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam này đã được nhiều hãng tin và tờ báo quốc tế chú ý, nhất là khi Bộ Y tế quyết định dùng cả phương án ghép phổi để cứu bệnh nhân. Reuters còn nhấn mạnh việc Việt Nam đã cách ly hơn 4.000 người liên quan đến ổ dịch có bệnh nhân 91, phát hiện thêm 17 bệnh nhân khác và giúp họ hồi phục. Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM - ông Ian Gibbons - đã viết thư cảm ơn các cơ quan y tế Việt Nam vì tận tình chăm sóc viên phi công.
Các bài viết về bệnh nhân 91 trên báo chí quốc tế nhận được khá nhiều bình luận, đa phần là những lời cảm ơn và bày tỏ sự kinh ngạc khi công dân Anh được tận tình cứu chữa ở một quốc gia xa xôi. "Câu chuyện đáng kinh ngạc về Việt Nam, một quốc gia có dân số hơn 90 triệu người, chung đường biên giới với Trung Quốc, và cách họ ngăn chặn virus thực sự gây sốc! "Zero" tử vong! Đây là bệnh nhân nguy kịch nhất của họ. Họ đã dừng nó ở biên giới" - bạn đọc có nickname m4rky4tes (thành phố Reading, Anh), bình luận.
GS-TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam:
Thành công từ teamwork
Bệnh nhân 91 từ chỗ nguy kịch kéo dài, đến nay đã có thể đứng dậy tập đi, hoàn toàn tỉnh táo, giao tiếp tốt. Bí quyết giúp chúng ta đến nay chưa có ca tử vong là tinh thần đoàn kết và thiết lập một "teamwork" (làm việc theo nhóm) hiệu quả. Ngoài việc kết nối các chuyên gia với bác sĩ điều trị từ các điểm cầu, một nhóm Viber cũng được lập ra để liên tục cập nhật thông tin về bệnh nhân nặng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế):
Nỗ lực lớn từ ứng dụng công nghệ
Các giải pháp y tế số 4.0 đã khiến cho thông tin thông suốt, nhanh chóng, đến được tất cả các đầu cầu. Với sự vào cuộc của chuyên gia đến từ các cuộc hội chẩn trực tuyến 3 miền, những giải pháp tốt nhất đã được lựa chọn cho điều trị bệnh nhân 91 và các bệnh nhân Covid-19 nặng khác trên toàn quốc.
Mấu chốt của thành công kỳ diệu này là do trí tuệ của các chuyên gia ngành y cả nước đã được tập trung cho ca bệnh, những buổi hội chẩn trực tuyến quốc gia thực hiện liên tục và sự nỗ lực của đội ngũ y - bác sĩ tại chỗ đã dành cả kinh nghiệm, chuyên môn để giúp bệnh nhân hồi phục. Sự hồi phục của nam bệnh nhân này là cả nỗ lực lớn của ngành y tế Việt Nam.
N.Dung ghi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.