Ký ức đại đội bóng hồng: Bôn ba làm mẹ

Thứ năm, ngày 28/04/2011 19:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong số 32 chị em đại đội Lê Thị Hồng Gấm còn sống, hiện nay nhiều chị có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Bình luận 0

Chị Võ Thị Hoa phải chống chọi với bệnh tật, xạ thủ B40 Huỳnh Thị Mẫn đang sải bước trên đường phố Sài Gòn để kiếm tiền nuôi con ăn học...

Vật lộn với cuộc sống

Giáp với sân bóng của thôn An Định, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi là một ngôi nhà rêu phong, cũ kỹ. Đó là nhà của chị Võ Thị Hoa (SN 1955), cô gái đại đội Lê Thị Hồng Gấm năm xưa.

img

Ra đón khách là một người phụ nữ với dáng đi chậm chạp. Căn bệnh tai biến mạch máu não đã một lần quật đổ chị. Chị Hoa tâm sự, âm thanh đứt quãng: “Giờ còn đi lại được đã là phúc lắm rồi em à”.

Sau ngày giải phóng, chị lấy chồng là người cùng xã và sinh được 4 người con. Con chưa kịp khôn lớn thì chồng chị chết vì tai nạn. Chị và mẹ chồng như 2 thân cây già nua dựa vào nhau để sống. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo cứ ập xuống đè lên tấm vai gầy của 2 người đàn bà... Người con trai duy nhất vào Nam làm ăn, cuộc sống của chị giờ dựa vào số tiền chế độ thương binh ít ỏi.

Sau giải phóng, đơn vị Hồng Gấm giải thể, chị em được biên chế về đơn vị quân đội mới, một số khác chuyển sang ngành thương nghiệp. Thời chiến tranh, các chị đều là con em gia đình cách mạng, bọn địch thường xuyên gây khó dễ nên ít được học hành.

Năm 1990 được coi là lúc khó khăn nhất của những chiến sĩ Hồng Gấm - cơ chế chính sách thay đổi, hàng loạt chị em phải “về một cục”. Một số ít chị sống nhờ vào đồng lương thương binh hàng tháng. Còn chị em khác phải chật vật với đồng ruộng và buôn bán.

Tại chợ Trà Câu, ngoài thị trấn Đức Phổ, cứ sáng sáng, người ta lại thấy một bà già vóc người nhỏ nhắn đẩy xe nước đậu nành ra chợ. Đó là chị Bùi Thị Hồng Đẹp - chiến sĩ giao liên của đại đội Hồng Gấm. Chị kể: “Chắc nhờ cái dáng nhỏ nhắn mà tui thoát chết. Hồi đó chuyển thư cho mặt trận, pháo địch bắn ngã dúi rồi lại chồm dậy chạy tiếp. Nhưng có một trận coi như nằm luôn vì miếng pháo găm vào ngực, trở thành thương binh 3/4”.

Khi đại đội Lê Thị Hồng Gấm giải thể, chị biên chế về trung đoàn 95, hành quân lên Gia Lai – Kon Tum truy quét tàn quân Fulro. Năm 1978, chị chuyển sang làm ngành thương nghiệp của huyện Đức Phổ và cũng “nghỉ một cục” vào năm 1991.

Hiện nay chị sống cùng chồng là người đồng đội cũ và 3 người con. Mảnh đạn thời chiến tranh cứ hành hạ khiến chị phải trải qua 9 lần mổ. Bệnh viện Chợ Rẫy đã gắp mảnh đạn bị vôi hóa trong phổi, kích thước to bằng quả trứng, giao cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Hiện nay chị lại phát căn bệnh lạ, bị mù một mắt.

Khi chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Tốt (SN 1951) ở thôn Văn Trường, xã Phổ Thuận, hai vợ chồng đang lúi húi với đống lúa vừa gặt về. Sau ngày giải phóng, thương cảm người thương binh Huỳnh Mậu bị mù 2 mắt, điếc 2 tai, chị vẫn quyết định chung sống trăm năm. Những đứa con lần lượt khôn lớn và đều được học hành. Bằng bàn tay lao động không mệt mỏi, chị đã dựng được ngôi nhà khang trang. Đồng đội của chị bảo: “Ảnh mù 2 mắt, trời thương chị nên bù cho sức khoẻ”.

Xạ thủ B40 lặn lội đất Sài Gòn

Hàng năm, chị em đại đội Lê Thị Hồng Gấm gặp mặt để ôn lại kỷ niệm cũ. Ngoài ra, khi con cái cưới hỏi cũng là dịp để các chị mời nhau đến gặp mặt. Thế nhưng, những lần họp mặt này đều vắng mặt xạ thủ B 40 - Huỳnh Thị Mẫn. Chị Mẫn cũng từng là một hoa khôi của đại đội.

img
Các chị Đại đội Hồng Gấm trong một lần ra Hà Nội viếng Bác.

Trong ngôi nhà vắng ngắt tại Chợ Chiểu, nằm trên thị tứ Trà Câu, anh Huỳnh Hữu Tịnh - chồng chị Mẫn, đã nhiều năm sống xa vợ. Anh tâm sự: “Chị đã vào Sài Gòn gần 20 năm nay để kiếm tiền lo cho gia đình. Cứ cuối năm về, đầu năm lại đi”.

Trong tấm ảnh treo trên tường, thời trẻ, xạ thủ B 40 Huỳnh Thị Mẫn là một cô gái duyên dáng. Còn tấm ảnh chụp cách đây vài năm khi tổ chức đám cưới cho con gái, nét mặt của chị hiện lên vẻ khắc khổ với những nếp nhăn của thời gian.

Đồng đội của chị cho biết: “Người xạ thủ từng thổi bay toán giặc dưới bờ sông Giang, giờ đang tần tảo buôn gánh bán bưng trên đường phố Sài Gòn”.

Cũng như chị em trong đơn vị, xạ thủ B40 này cũng “nghỉ một cục” vào năm 1989. Với thương tật 61%, chị vẫn tần tảo sớm khuya giữa đường phố Sài Gòn để nuôi 3 con ăn học nên người. Hai cháu đã tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng, còn cháu út là Huỳnh Thị Thủy Tiên (SN 1990) đang học Cao đẳng Du lịch ở Sài Gòn. “Ráng trả hết nợ con cái học hành thì vợ chồng mới có thể đoàn tụ. Chị đã hy sinh trong chiến tranh, giờ phải hy sinh cho con cái” - anh Tịnh chia sẻ.

Cả nước đang tưng bừngkỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày này, các chị - những bóng hồng của đại đội Lê Thị Hồng Gấm cũng đang bồi hồi nhớ lại thời con gái cầm súng đánh giặc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem