Ký ức Hà Nội: Hồi ức về cha và chiếc áo khoác may từ thời bao cấp

Vũ Thị Hải Yến (Hà Nội) Thứ hai, ngày 03/07/2023 08:37 AM (GMT+7)
Mỗi lần nhìn chiếc áo, tâm trí tôi lại gợi nhớ về mùa đông Hà Nội khi xưa. Đó là mùa đông của sự lo toan, thiếu thốn đủ bề...
Bình luận 0

Mùa hè, tôi thường sắp xếp, cất đi những bộ quần áo mùa đông cho rộng tủ. Nhưng có một chiếc áo mà từ nhiều năm nay, tôi vẫn treo trang trọng trong tủ quần áo, cho dù chủ nhân chiếc áo đó đã khuất bóng từ lâu. Đó là chiếc áo kỷ niệm của cha tôi, nó rất đặc biệt, vì được may từ một chiếc chăn chiên màu xám, cha mua thời bao cấp. 

Mỗi lần nhìn chiếc áo, tâm trí tôi lại gợi nhớ về mùa đông Hà Nội khi xưa. Đó là mùa đông của sự lo toan, thiếu thốn đủ bề: Thiếu gạo, khiến bát cơm xới không đủ đầy; thiếu cá, thiếu thịt, khiến mâm cơm trông có phần ảm đạm... và những con người quây quần bên mâm cơm ấy vừa ăn, vừa co ro lạnh lẽo vì thiếu cả quần áo ấm khoác lên người, phải hít hà, xuýt xoa, bám nhờ hơi ấm từ bát cơm nóng hổi đang tỏa khói... 

Một sáng mai tỉnh giấc đi học, phải đạp xe qua cây cầu Long Biên, lạnh đến tê cứng từng đầu ngón tay, ngón chân, gió từ sông Hồng thổi lên, xuyên qua những chiếc găng tay len, xuyên qua cả những lớp quần dệt kim đông xuân mặc lót bên trong để châm kim vào da thịt. 

Không riêng tôi, từng dòng người đạp xe chậm rãi, ai cũng co ro, cúm rúm, thu mình lại vì lạnh, mặc dù, đã trang bị cho mình đủ những chiếc áo len cổ lọ, áo bông, áo "đại cán" trấn thủ và cả những chiếc khăn bông quảng kín cổ, vấn tròn qua đầu, qua hai tai, chỉ để hở có hai con mắt tho ló nhìn đường...

Ngày ấy, mùa đông là sự chờ mong, cũng là nỗi lo lắng với nhiều người. Lo lắng bởi cái mặc. Mùa đông chưa về, nhưng người ta đã đón chờ nó, chuẩn bị cho nó suốt cả năm. Đi tới đâu cũng bắt gặp các bà, các mẹ, các chị tranh thủ thời gian, lấy cuộn len và kim đan thủ sẵn trong túi xách, vừa nói chuyện, vừa thoăn thoắt đôi tay để đan cho chồng, cho con, cho người yêu những chiếc áo len, khăn len, hay đôi găng tay bằng len để mùa đông bớt lạnh. Rồi khi công việc khác ập đến, họ lại vội vã cất đi, để rồi, sự lo toan mùa đông về cứ bám riết hết thời giờ rảnh rỗi của họ, bám riết suốt bốn mùa trong năm.

Ký ức Hà Nội: Hồi ức về cha và chiếc áo khoác may từ thời bao cấp - Ảnh 2.

Hà Nội luôn là điểm đến của nhiều du khách và cũng là nơi mọi người lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ. Ảnh: Giang Trịnh.

Những đồ đan thêu bằng tay của người phụ nữ Hà Nội thời ấy không chỉ là món quà vật chất, mà nó mang nhiều ý nghĩa tinh thần, khi theo người lính ra trận, theo những thanh niên xung phong trên những công trường lao động; hoặc "bay" theo những du học sinh, công nhân xuất khẩu lao động ra nước ngoài.... Khi đó, nó vượt lên tên gọi của những đồ vật bình thường, để trở thành những kỷ vật thiêng liêng của tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn! 

Với mẹ tôi, công việc đan len còn cuốn lấy bà suốt đến đêm khuya, bên ngọn đèn dầu le lói vì Hà Nội thường xuyên bị cúp điện. Nhà đông con, sau giờ tan xưởng về, mẹ tôi còn nhận thêm công việc thêu đan ở tổ đan len của khu phố, tranh thủ kiếm thêm bó rau, cân muối. Ngày ấy, phụ nữ hầu hết đều biết đan lát, thêu thùa; người nọ cầm tay dạy cho người kia mà chẳng phải học qua một lớp nữ công gia chánh nào, chẳng bù cho các cô gái tân thời ngày nay.

Hà Nội bây giờ không còn lạnh buốt đến thấu xương như ngày xưa nữa. Một phần, do biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng lên toàn cầu. Phần khác, do đời sống vật chất ngày một nâng lên. Ăn uống đầy đủ khiến cơ thể con người chống chọi với cái rét tốt hơn. Quần áo thì không giải quyết khâu "đủ" mà đi vào thời trang, mẫu mốt. Chất liệu, công nghệ may mặc cũng cho ra những sản phẩm quần áo vừa ấm, vừa nhẹ, không như chiếc áo may bằng chiếc chăn chiên của cha tôi, mặc vào như gánh trên vài đôi thùng gánh nước!

Nhưng sự phát triển bao giờ cũng phải trả giá về môi trường. Tôi không muốn trái đất nóng lên, tôi muốn trong tương lai, mùa đông vẫn còn hiện hữu; để con cháu chúng ta được cảm nhận những sắc thái của bốn mùa Hà Nội trong năm. Và khi tết đến, xuân về chúng được xúng xính trong những chiếc áo chần bông màu đỏ truyền thống mua trên phố Hàng Đào, chiếc áo một thời là niềm mơ ước của lũ trẻ gái chúng tôi.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem