Khidir, 17 tuổi, sống sót sau cuộc hành quyết của Nhà nước Hồi giáo nhưng vẫn còn ám ảnh bởi những gì đã chứng kiến. Ảnh: Foreign Policy
Ngày 15/8, một nhóm tay súng bịt mặt thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) càn qua làng Kocho của chàng thanh niên 17 tuổi Khidir như một cơn bão táp. Ngôi làng bé nhỏ nằm cách thị trấn Sinjar, Iraq, khoảng 24 km về phía tây nam, vốn yên bình nay sắp phải đương đầu với một số phận quá nghiệt ngã.
Các phiến binh IS ép dân chúng tập trung tại ngôi trường duy nhất của làng. Chúng lần lượt tước hết điện thoại di động cùng đồ đạc có giá trị của từng người. Nhẫn cưới, tiền mặt, tiền tiết kiệm, tất cả bị lột sạch trong nháy mắt. Chúng "trấn an" dân làng rằng hãy đừng lo lắng, chúng chỉ muốn đưa họ tới vùng núi Sinjar cùng với những người Yazidi khác mà thôi. Yazidi là một cộng đồng người Kurd, theo tôn giáo cổ đại mà những kẻ thuộc IS cho là dị giáo.
"Dân làng từng nghe phong thanh rằng chúng sẽ tới đây một ngày nào đó nhưng chăng mấy ai tin", Khidir cho biết. Anh thuộc nhóm đầu tiên được phép rời làng đi. Như trút được gánh nặng to lớn trong lòng, Khidir thầm nghĩ: "Có lẽ chúng không tàn ác như mình tưởng", anh chia sẻ.
Khidir cùng khoảng 20 người khác bị nhồi lên chiếc xe tải hiệu KIA màu trắng. Tất cả đều lo lắng và mất bình tĩnh vì phải chia cắt với gia đình nhưng ai cũng ôm niềm hy vọng mình sẽ đến được vùng núi nơi hàng nghìn người Yazidi trốn chạy khỏi IS đang nương náu.
Khoảng 10 phút sau, chiếc xe dừng lại giữa cánh đồng mênh mông, chờ sẵn ở đó là hai người đàn ông với những khẩu súng máy lạnh ngắt. Khidir chợt nhận ra, thật sự thì điểm đến của họ không phải nơi an toàn như anh tưởng.
"Chúng tôi bị đẩy vào chỗ chết", Khidir nói. Anh sẽ còn mãi ám ảnh về ánh mắt sắc lạnh của tên sát nhân. Hắn nhìn mọi người như thể đang giấu đi nụ cười dưới tấm khăn trùm kín mặt. Tất cả bị bịt mắt và quỳ phục trên nền đất. "Đây là kết thúc của chúng mày", chúng đe dọa. Sau đó, tiếng đạn xé tai vang lên.
Cứ sau mỗi tiếng súng nổ lại có người ngã xuống, số khác la hét và không ngừng khóc lóc. "Tôi nghĩ mọi chuyện thế là hết", Khidir kể. Anh cảm thấy hơi nóng của nòng súng trên cổ mình rồi lập tức ngã xuống. Bằng cách nào đó viên đạn sượt qua anh trong gang tấc. Khidir giả chết đến khi những kẻ mặc đồ đen đi mất. Khoảng hai tiếng sau, anh đứng dậy và nhìn thấy sự thật kinh hoàng đang phơi bày trước mắt. Hầu như mọi người đều đã chết, trong số nạn nhân có cả đứa cháu nhỏ tội nghiệp của anh. Chỉ còn Khidir cùng người hàng xóm với vết thương khá nặng ở chân sống sót.
"Chúng tôi còn duy nhất lựa chọn, đó là phải chạy trốn", anh cho hay. Họ cứ thế đi bộ hàng giờ liền để đến ngôi làng lân cận của người Sunni. Tại đây hai người được cho nước uống và yêu cầu phải rời đi ngay lập tức. "Tôi biết họ rất muốn giúp đỡ. Nhưng không còn lòng tin giữa người với người tồn tại ở cái đất nước này nữa rồi", Khidir nói.
Khidir và người hàng xóm lại mải miết đi và cuối cùng cũng tới được vùng núi gần biên giới Syria, nơi những tay súng người Kurd đang đóng quân. Họ ở lại hai đêm, sau đó Khidir đến thành phố Dohuk, Iraq, nơi chị gái và anh rể anh đang sinh sống. Họ chạy tới đây từ đầu tháng 8 sau khi nghe tin IS sẽ tấn công ngôi làng của mình. Khidir ban đầu chê cười và nghĩ rằng chị gái mình quá thận trọng. Bây giờ, anh chỉ ước mình có thể quay ngược thời gian để đưa cả nhà cùng bỏ trốn.
Chưa rõ số phận của 4 người anh em trai và cha của Khidir ra sao, nhưng anh chấp nhận tin rằng họ đã chết. Ba tuần trước, Khidir vẫn nghĩ 5 chị em gái và mẹ mình cũng không còn nữa. Tuy nhiên, vào một buổi sáng, họ nhận được cuộc gọi không ngờ tới từ người chị Badeaa. "Đó là cú điện thoại tuyệt vời nhất nhưng cũng tồi tệ nhất", Hadeela, chị gái Khidir cho biết. "Ban đầu nó mang đến niềm hy vọng, nhưng sau đó nỗi sợ hãi bao trùm còn lớn hơn".
Badeaa nói họ thấy sợ còn hơn cả cái chết, cô cùng các chị em, mẹ và 40 người phụ nữ khác người làng Kocho đang bị IS giam giữ tại Tal Afar, thị trấn dưới quyền kiểm soát của quân khủng bố IS. Một trong số họ trộm được chiếc điện thoại di động từ những kẻ cầm tù họ. "Câu cuối cùng chị ấy nói là 'Đừng gọi lại vào số này, nếu không chúng sẽ giết hết", chồng của Hadeela kể lại.
Khidir dù thoát chết nhưng hiện tại sống trong tâm trạng ủ rũ và có dấu hiệu tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Anh kể về ngôi làng với vườn cà chua tự trồng, với phòng khách nơi anh chơi bài cùng cả nhà, với căn bếp nơi mẹ anh pha trà mỗi sáng, bằng một giọng đầy khao khát.
Nhưng, Khidir từ chối trở về. "Mọi người chết hết cả rồi. Làm gì còn làng nào nữa mà về", Khidir nói.
(Theo Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.