Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Phải giải quyết được bài toán thiếu nguyên liệu
Năm 2011, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt cột mốc 6 tỷ (tăng 20% so với năm 2010) và đang hướng tới mục tiêu 6,5 tỷ năm 2012. Tuy nhiên, ngành vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ, trong đó nổi cộm nhất là việc thiếu nguyên liệu trầm trọng cho chế biến xuất khẩu (XK). Vì lý do này, các doanh nghiệp (DN) đã phải nhập gần 700 triệu USD thủy sản về để chế biến XK, đáp ứng yêu cầu khách hàng.
|
Ngư dân đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa. |
Chúng tôi rất kỳ vọng vấn đề này sẽ được khắc phục trong năm 2012. Giải pháp đưa ra là: Ngoài việc vẫn phải tăng cường cho việc nhập khẩu nguyên liệu thì việc nâng cao sản lượng, chất lượng và mức độ chế biến trong nước là điều cần phải làm ngay trong năm 2012 này.
Các doanh nghiệp và địa phương cần quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cùng với bảo vệ môi trường và quản lý đồng bộ về chất lượng các khâu con giống, thức ăn, thuốc thú y... trong hoạt động nuôi tôm và cá tra cũng như các loài thủy sản khác, nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng, ATVSTP; giảm thất thoát sau thu hoạch từ 10 - 20% và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, giúp cho nguồn nguyên liệu thủy sản chất lượng hơn, làm tăng đáng kể lượng nguyên liệu cung ứng cho chế biến.
Bên cạnh đó, càng ngày các thị trường nhập khẩu càng yêu cầu thêm nhiều quy định về ATVSTP. Do đó, việc đảm bảo kiểm soát ATVSTP toàn chuỗi sản xuất của DN và các bên tham gia chuỗi nhằm đạt chất lượng cũng đang là thách thức lớn đối với ngành thủy sản. Nhà nước cần hỗ trợ cộng đồng DN thiết lập hệ thống kiểm soát này trong tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu, thu gom, vận chuyển, chế biến đến XK.
Ngọc Minh (ghi)
Ông Trần Bá Hoàn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1): Cần đẩy nhanh tiến độ xây kho tạm trữ lúa
Tôi mong năm 2012 xuất khẩu gạo của VN sẽ tốt hơn, bài bản và hiệu quả hơn. Mọi diễn biến trên thị trường thế giới đều có tác động đến sản xuất, dự trữ và xuất khẩu gạo của chúng ta. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lúa gạo thế giới năm 2008, trong năm mới này, chúng ta cần chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho tạm trữ lúa, tiếp tục xây dựng các cơ sở chế biến-dự trữ-xuất khẩu gạo quy mô lớn tại các tỉnh trọng điểm lúa và cần tổ chức thực hiện việc cho nông dân gửi thóc, không phải bán lúa ngay khi thu hoạch; đảm bảo người nông dân sản xuất lúa có lãi hợp lý để yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế và cách thức điều hành xuất khẩu gạo cần theo hướng xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành về chính sách thị trường và các cân đối vĩ mô. Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải tăng cường dự trữ kinh doanh, vừa chủ động nguồn hàng xuất khẩu, vừa can thiệp thị trường trong nước khi cần thiết. Chúng ta hy vọng sẽ có một năm thắng lợi trong sản xuất, kinh doanh gạo.
Mai Nguyễn (ghi)
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vinamit: Ước Nghị định 61 triển khai hiệu quả
Nhà nước ta đã có những chính sách vĩ mô rất tốt cho ngành nông nghiệp nhưng việc thực hiện chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chính sách còn chưa thực hiện được. Trong đó đáng kể nhất là Nghị định 61 của Chính phủ về hỗ trợ cho ngành nông nghiệp.
Trong nghị định có nói rất rõ người nông dân, doanh nghiệp được hỗ trợ vận chuyển khi bán hàng, được trợ giúp 70% về chi phí tư vấn, chi phí đào tạo, quảng cáo, chi phí tiêu thụ hàng hóa... Những chính sách rất cần thiết cho người nông dân, cho doanh nghiệp nhưng mãi đến nay vẫn chưa thực hiện được. Doanh nghiệp vẫn phải chịu 10% thuế VAT, vẫn phải chịu 100% chi phí đào tạo, quảng cáo, nông dân vẫn phải chịu phí vận chuyển...
Tôi ước gì, sang năm mới Nghị định 61 có thể trở thành hiện thực với từng điều luật trong đó được triển khai đúng, triển khai mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả. Phải làm sao để những chính sách của Chính phủ đồng hành được với doanh nhân nông thôn, với các chủ trang trại, với nông dân để họ có thể "bùng nổ" và phát triển mạnh mẽ trong năm con rồng này.
Ngọc Minh (ghi)
Anh Lê Văn Nông - chủ trang trại thôn Mãn Hòa, Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên): Mong được giao đất lâu dài
Năm 2011 là năm “thắng lợi” của những chủ trang trại trồng chuối tiêu hồng. Thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất, sản lượng chuối tiêu hồng ổn định; giá bán càng về cuối năm càng tăng. Năm 2012, nhiều chủ trang trại kỳ vọng giá nông sản ổn định, có lợi cho bà con nông dân; kỳ vọng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ dồi dào với lãi suất hợp lý.
Sau nhiều năm tích lũy, tôi tự chủ được khoản tiền đầu tư, nhưng nhiều người khác mới làm rất cần vốn. Vốn vay phát triển trang trại năm 2011 rất khó khăn, nếu có vay được thì lãi suất cũng khá cao. Ngoài ra, người làm trang trại chúng tôi rất mong trong năm 2012, Nhà nước sớm có định hướng về xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 theo hướng không tổ chức chia lại đất vào năm 2013, mở rộng hạn điền hoặc tốt nhất là bỏ hạn điền và giao đất lâu dài cho ND.
Một chính sách đất đai như vậy mới động viên, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao sản lượng, giá trị nông sản hàng hoá...
Đông Hoàng (ghi)
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt nam: Mong nông nghiệp tiếp cận tín dụng nhiều hơn
Tôi rất vui mừng khi thấy chủ trương của Đảng và Chính phủ sẽ tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong năm nay. Do vậy, tôi mong khu vực nông nghiệp, chăn nuôi sẽ tiếp cận được tín dụng nhiều hơn trong năm 2012 này.
Thực tế hiện nay, các ngân hàng không tăng tín dụng quá 15-20%, nhưng với chăn nuôi hoàn toàn có thể quy định tăng lên tới 30%, như vậy mới phù hợp với điều hành kinh tế trong bối cảnh này.
Tôi mong năm tới chúng ta có thể áp dụng các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân chăn nuôi như chúng ta đã từng làm, nếu muốn thúc đẩy ngành chăn nuôi lúc này. Hiện nay các trang trại, doanh nghiệp nhỏ đang được hưởng chính sách dãn thuế, nhưng không hiệu quả, bởi bản thân họ đang không có lãi trong sản xuất thì dãn thuế cũng bằng không, thay vì chính sách này chúng ta cần áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ tốt hơn.
Mặt khác, việc hỗ trợ lãi suất cũng giúp làm giảm bớt rủi ro với ngân hàng khi họ cho nông dân vay vốn chăn nuôi, thay vì chỉ cho vay các dự án to, có Nhà nước bảo lãnh. Cách nữa là chúng ta có thể thông qua ngân hàng phát triển bảo lãnh tín dụng cho nông dân vay vốn chăn nuôi; có được sự bảo lãnh thì các ngân hàng sẽ mạnh dạn cho nông dân vay nhiều hơn.
Mai Nguyễn (ghi)
Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt nam (Vitas): Sẽ đồng hành cùng nông dân trồng chè
Năm mới này tôi mong sẽ phát huy hết nội lực để tạo sự biến đổi về chất đối với ngành chè. Năm qua, nạn chè "bẩn" đã làm ngành chè vô cùng khó khăn trong thu mua nguyên liệu và xuất khẩu. Tuy chè "bẩn" chỉ được xuất sang Trung Quốc song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè đã lao đao do nhiều thị trường "ngại" nhập chè VN. Do vậy, dù giá chè tăng mạnh nhưng năm qua chúng tôi xuất khẩu chè giảm cả về số lượng lẫn giá trị.
Năm 2012 này, ngành chè sẽ đẩy mạnh thực hiện Chương trình "Vì sản phẩm trà an toàn, sản xuất có trách nhiệm". Qua đó hướng đến một nền sản xuất chè có trách nhiệm và tôi mong ý thức của người nông dân, người sản xuất chè cần được thay đổi để VN xứng đáng là nước sản xuất và xuất khẩu chè có thứ hạng trên thế giới.
Trong năm nay, chúng tôi sẽ không chạy theo số lượng xuất khẩu mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và giá trị của sản phẩm chè xuất khẩu. Do vậy chúng tôi sẽ phối hợp với các Tổ chức Solidaridad và Công ty Unilever VN để hỗ trợ các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững cho các sản phẩm chè an toàn. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng người nông dân để sản phẩm chè VN vững bước vào thị trường chè thế giới.
Nguyễn Phương (ghi)
Ông Mai Văn Ngọc - Chủ tịch Hội nông dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa): Kỳ vọng bố trí đủ nguồn lực thực hiện QĐ 673
Với vùng cao, miền núi khó khăn như huyện Mường Lát, việc giữ rừng-nguồn sinh thuỷ là việc rất quan trọng. Năm 2012, tôi kỳ vọng Nhà nước có chính sách và giải pháp mạnh mẽ, sát thực để khuyến khích việc bảo vệ rừng. Về kinh tế thì chính sách cần hướng tới khuyến khích sự chủ động của đồng bào dần dần hạn chế, bãi bỏ chính sách kiểu “cho không” gây tâm lý ỷ lại, trông chờ.
Năm 2012 dự báo kinh tế sẽ nhiều khó khăn, tôi hy vọng, Chính phủ bố trí đảm bảo nguồn lực đầu tư cho “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; các bộ, ngành T.Ư, các địa phương đảm bảo nguồn lực để thực hiện QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ. QĐ 673 Thủ tướng ký ban hành tháng 5.2011, đến nay mới chỉ “lan toả” đến cấp tỉnh, chưa xuống được đến cấp huyện, nhất là huyện vùng sâu, vùng xa như Mường Lát. Nếu tiến độ thực hiện QĐ 673 nhanh hơn thì hoạt động của các cấp Hội sẽ đạt được nhiều hiệu quả thiết thực trong năm 2012.
Phương Đông (ghi)
Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart: Tìm cơ hội trong khó khăn của thị trường bán lẻ!
Nếu năm 2012 này, Chính phủ đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức một con số, thì tôi chỉ hy vọng sức mua giữ được như năm 2011. Tuy nhiên tôi e sức mua có thể tiếp tục giảm.
Trong bối cảnh khó khăn, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, nhu cầu mua hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thường xuyên an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm... sẽ càng cao hơn. Điều này đã bộc lộ trong nửa cuối năm 2011, nên năm 2012 chính là cơ hội cho các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm phát triển mạnh. Riêng hệ thống Co.opmart, năm 2011 đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp tiếp thị mới giữ được tốc độ tăng trưởng 35%, nên trong năm 2012 sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc mở thêm điểm bán.
Hồ Hương (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.