Lạ đời nông dân trồng đủ loại hoa, để mời côn trùng đến vườn tiêu

Thuận Hải Thứ ba, ngày 22/08/2017 06:20 AM (GMT+7)
Vài năm trước, nhà vườn trồng tiêu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… chỉ chăm chăm “trồng trụ giâm dây” để mở rộng diện tích thì nay, nhiều hộ quan tâm hơn tới việc trồng tiêu sạch, sản xuất bền vững.
Bình luận 0

Đây cũng là cách nhiều HTX trồng tiêu các tỉnh Đông Nam bộ “ứng phó” với tình trạng diện tích vườn tiêu đã tăng quá nhiều nhưng phát triển không bền vững vì lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

“Mời” côn trùng đến vườn tiêu

Đến thăm vườn tiêu của xã viên HTX Nông nghiệp Bầu Mây (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nhiều người không khỏi thích thú bởi hàng chục loại hoa khoe sắc xen lẫn những trụ tiêu xanh tốt. Các loại hoa như mười giờ đủ màu, hoa cánh bướm… được trồng xen kẻ giữa những trụ tiêu vừa đẹp mắt vừa tạo môi trường thân thiện. Ông Lâm Ngọc Nhâm – Chủ nhiệm HTX Bầu Mây cho hay, việc trồng hoa trong vườn tiêu nhằm thu hút thiên địch, các loại côn trùng có ích cho vườn cây. Từ đó, tạo môi trường sinh thái thân thiện đồng thời giảm thiểu việc phải sử dụng thuốc BTVT, tạo ra sản phẩm hữu cơ bền vững. Mô hình này đã được ứng dụng nhiều trong trồng lúa, hoa màu, tuy nhiên, việc trồng hoa trong vườn tiêu thì chưa được nhiều nơi áp dụng.

img

  Vườn tiêu sạch bệnh ở xã An Phú (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). ảnh: Thuận Hải

Bên cạnh đó, xã viên ở HTX Bầu Mây cũng hạn chế sử dụng phân hóa học, thay vào đó là các sản phẩm phân bón sinh học, sản xuất từ các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương. “Nhờ trồng tiêu theo phương pháp sạch, vườn tiêu là hệ sinh thái bền vững nên sản phẩm tiêu Bầu Mây có vị ngọt, cay và thơm rất đặc trưng, được xuất khẩu sang EU và nhiều thị trường khó tính khác” –  ông Nhâm tự hào kể.

Hay như ở HTX Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), từ khi thành lập vào năm 2014, HTX đã định hướng sản xuất hồ tiêu sạch với vùng nguyên liệu trên 1.100ha. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường EU. Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San chia sẻ, trước đây ông từng có thời gian công tác ở Đức và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu ở EU là rất lớn. Vấn đề là ở chỗ, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm này rất khắt khe. Do đó, khi trở về nước, ông Luân vận động, liên kết với hơn 1.000 nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch.

Ông Luân nhận định, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, chỉ khi sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm thì hồ tiêu mới mong trụ vững được ở các thị trường khó tính. Mà ở các tỉnh Đông Nam Bộ, nông dân đã có kinh nghiệm trồng hồ tiêu từ lâu đời, chỉ cần hỗ trợ thêm về kiến thức thì việc trồng tiêu sạch là không khó để thực hiện.

 Tiêu sạch không lo ế hàng

Nhiều nông dân trồng tiêu hiện đã tự tìm tòi học hỏi để canh tác bền vững, thành lập các câu lạc bộ cùng tuân thủ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Đồng thời, bà con biết tìm đến các doanh nghiệp thu mua để cam kết sản phẩm chất lượng và an toàn, không tồn dư các hoạt chất thuốc BVTV cấm, theo yêu cầu của nhà nhập khẩu”.
Bà Nguyễn Mai Oanh - Tổng Thư ký VPA

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong vài năm qua, diện tích hồ tiêu đã tăng chóng mặt, diện tích hồ tiêu thống kê năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2013. Do cung vượt cầu nên giá tiêu tụt giảm thê thảm từ đầu năm 2017 đến nay.

Không chỉ ở Việt Nam, sản lượng hồ tiêu tại các nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… cũng tăng mạnh. Lo ngại không tiêu thụ được, đồng thời để hạn chế tình trạng thất thu do bệnh chết nhanh chết chậm, vườn tiêu nhanh già cỗi… nông dân các tỉnh Đông Nam Bộ quan tâm nhiều hơn đến việc canh tác hồ tiêu sạch. Trong bối cảnh đó, việc liên kết giữa HTX Lâm San với các hộ nông dân đã đảm bảo được thị trường và giá bán xuất khẩu ổn định. Mô hình hợp tác này cũng đã thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. 

Hay như vua trồng tiêu thế giới năm 2014 - ông Nguyễn Bá Thịnh (ngụ xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), nhiều năm qua tiêu của ông luôn được một tổ chức thu mua của Hà Lan bao tiêu với giá tốt. Ông Thịnh xác nhận, dù giá cả thị trường biến động mạnh, nhiều nhà vườn loay hoay vì bệnh chết nhanh chết chậm… thì vườn tiêu nhà ông vẫn đảm bảo phát triển bền vững. “Hiện nay, với diện tích 3,5ha, tôi trồng 6.500 trụ hồ tiêu, trong đó có 4.000 trụ đang cho thu hoạch với sản lượng 10 tấn tiêu khô/năm, năng suất không gọi là cao so với nhiều vườn khác nhưng là sản phẩm tiêu sạch, không lo đầu ra, không sợ xuất khẩu bị trả về” –  ông Thịnh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem