Kỳ lạ bộ tộc Daur với tục giết gà chọn ngày kết hôn và biết chơi hockey
Lạ lùng bộ tộc Daur bói gan gà để chọn ngày cưới
Thứ ba, ngày 21/09/2021 08:08 AM (GMT+7)
Daur là nhóm bộ tộc thiểu số tương đối nhỏ nằm ở khu vực Đông Bắc Á với dân số khoảng 132,000 người (tính đến 2010). Họ nổi tiếng với những chiếc mũ đội đầu làm từ da động vật, kỹ năng chơi hockey trên sân, và đặc biệt tục bói gan gà chọn ngày cưới.
Thời nay bộ tộc Daur sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, săn bắn và đánh bắt cá
Tên gọi Daur là do chính dân bản địa tự đặt cho mình, nó có nghĩa là "người tiên phong". Họ là hậu duệ của bộ lạc Khitan cổ đại ở Trung Quốc cách đây hơn 1000 năm. Tập trung chủ yếu ở khu tự trị Nội Mông, tỉnh Hắc Long Giang và số ít tại vùng Tân Cương (Trung Quốc), bộ tộc Daur sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, săn bắn và đánh bắt cá.
Ngôn ngữ Daur thuộc nhóm tiếng Mông Cổ trong hệ ngôn ngữ Altaic. Giờ đây người Daur có thể nói tiếng Trung phổ thông, tiếng Mông Cổ và thậm chí là Uyghur. Mặc dù trẻ em được dạy tiếng phổ thông ở trường, nhưng hầu hết vẫn duy trì nói ngôn ngữ địa phương.
Trong văn hoá tâm linh, Shaman giáo ăn sâu vào tiềm thức của người Daur. Trải qua nhiều thế kỷ, bộ tộc này luôn tìm đến thầy cúng - người được xem là vai trò trung gian để giao tiếp với thần linh - để thực hiện các nghi lễ hay làm các công việc hệ trọng. Hiện nay, mỗi người trong bộ tộc Daur vẫn duy trì hình thức tôn giáo này và sở hữu một shaman riêng. Bên cạnh Shaman giáo, một bộ phận người nơi đây cũng là tín đồ của Lạt-ma giáo (Phật giáo Tây Tạng).
Bữa ăn hàng ngày của bộ tộc Daur là kê hoặc mì kiều mạch trộn sữa, bánh kiều mạch và cháo yến mạch với đậu nành. Thịt thú săn nằm trong danh sách các món ăn thường ngày của người dân bản địa như thịt hươu, ngoài ra còn có gà lôi và thịt vịt. Họ cũng canh tác trồng nhiều loại rau và hoa màu.
Trang phục của bộ tộc Daur thường là đôi ủng dài, quần tất lụa, mũ chóp nhọn và áo choàng lụa có thắt đai, trông giống bộ quần áo truyền thống của người Mông Cổ. Phụ nữ Daur từ lâu nổi tiếng với tài may vá, trang trí quần áo bằng những hoa văn rất tinh tế. Còn đàn ông mặc áo màu xám hoặc xanh da trời cùng một áo choàng bên ngoài.
Sự độc đáo trong trang phục của bộ tộc Daur nằm ở chiếc mũ. Nó được làm từ da đầu của loài hoẵng, bằng cách giữ nguyên vẹn hình dạng của da và làm thành mũ có tai và sừng trên đỉnh đầu. Loại mũ này rất hữu ích dùng để giữ ấm và ngụy trang khi đi săn.
Lễ hội lớn nhất của bộ tộc Daur có tên gọi là Anie được tổ chức vào tháng 5. Người bản địa cúng tế thần linh bằng lợn và bò để cầu may mắn và năm mới thịnh vượng. Lễ Tết thì người địa phương sẽ cúng bái tổ tiên, cùng nhau đi thăm họ hàng, gói bánh và đốt pháo ăn mừng. Bên cạnh đó, bộ tộc Daur còn tổ chức lễ hội tro đen hay lễ Trung thu như người Hán.
Từ xa xưa, người Daur được biết đến với lòng dũng cảm và kỹ năng chiến đấu trên chiến trường cũng như sự dũng cảm và ngoan cường của họ trong thể thao. Vì thể họ chơi rất tốt những môn thể thao như đấu vật, đua ngựa, bắn cung hay trò "Beikuo" giống phiên bản khúc côn cầu (hockey) được chơi như ngày nay.
Kỳ lạ tục chọn ngày cưới của bộ tộc Daur
Cách chọn ngày kết hôn độc nhất vô nhị trong phong tục của bộ tộc Daur thông qua việc bói toán; đó là kiểm tra lá gan của gà con. Theo đó, cô gái cùng chàng trai cầm một con dao, mổ một chú gà được chọn từ trước. Ngày lành tháng tốt dựa theo hình dạng của lá gan gà; nếu gan gà con đẹp thì cả hai gia đình đồng thuận vui vẻ chuẩn bị ngày cưới còn nếu lá gan hỏng thì sẽ tiếp tục mổ đến khi tìm thấy lá gan ưng ý.
Để ăn mừng, họ tổ chức lễ ăn hỏi và hầu hết các nam thanh nữ tú cùng nhau uống rượu giao bôi. Họ hàng và các khách mời cũng tham gia lễ ăn mừng, nhảy múa, hát hò suốt đêm. Không giống với các nhóm dân tộc thiểu số khác, trong văn hoá Daur, cô dâu không được chú rể hay họ hàng nhà trai đón rước, mà tự đi về nhà chồng. Ngay từ sáng sớm, tân nương cùng người thân hát hò vui vẻ suốt quãng đường về đến nhà chồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.