Lạ mà hay: Giấu vợ "cắm” sổ đỏ lập "phòng Tây Tạng" nuôi "thần dược"

Minh Phong Thứ hai, ngày 06/11/2017 19:15 PM (GMT+7)
Trong lúc chưa tìm ra nguồn vốn để thí nghiệm nhân nuôi "thần dược"-đông trùng hạ thảo , Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ giấu vợ đem sổ đỏ của gia đình đi “cắm” để nghiên cứu sản xuất thảo dược quý hiếm này.
Bình luận 0

Xây phòng Tây Tạng

Ở Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội có một căn phòng được các cán bộ nơi đây gọi là “Phòng Tây Tạng”. Căn phòng này rộng khoảng 30m2 luôn được ở mức nhiệt độ 22 độ C; độ ẩm 84% và được duy trì bằng máy phun hơi nước.

img

Trong căn phòng chừng 40m2, nghiên cứu về nuôi cấy đông trùng hạ thảo của các cán bộ khoa học đã cho ra sản phẩm. 

Trong đó, có chứa những chiếc hộp nuôi dưỡng một loại thảo dược quý hiếm: đông trùng hạ thảo-sản phẩm được mệnh danh như là "thần dược" bởi công năng hiệu quả trong phòng, điều trị bệnh ung thư. Những hộp đông trùng hạ thảo đang sinh trưởng tại đây là kết quả của công trình nghiên cứu nhiều năm của Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) cùng các cộng sự.

Tiến sỹ Nhạ nhớ lại: “Năm 2006, trong một chuyến công tác tại Mỹ, tôi có đến thăm Trung tâm phòng chống ung thư ở Mỹ. Tại đây, các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu sử dụng dược tính của nấm đông trùng hạ thảo trong điều trị ung thư”.

Trên thực tế, đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, chủ yếu ở độ cao 3.200m trở lên thuộc dãy núi Himalaya và vùng Tây Tạng. Sản lượng ít nên giá rất cao. Theo tìm hiểu, Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ biết được giống đông trùng hạ thảo ở Trung tâm Phòng chống Ung thư Mỹ được các nhà khoa học lấy từ dãy Himalaya.

Ông Nhạ đã bỏ tiền để mua giống đông trùng hạ thảo về nghiên cứu. Tuy nhiên,Trung tâm Phòng chống Ung thư Mỹ chỉ bán giống chứ không bán công nghệ nhân giống. Về Việt Nam, ông Nhạ cùng các đồng nghiệp phải mày mò nghiên cứu quy trình sản xuất giống.

“Cắm” sổ đỏ nuôi dược liệu quý

Khi đó, dự án do Tiến sỹ Nhạ chủ trì rất mới và mang tính rủi ro cao. Nếu để chờ được phê duyệt hỗ trợ nghiên cứu từ ngân sách sẽ mất nhiều thời gian. Ông Nhạ đã quyết định giấu vợ, mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp để có tiền mua giống, máy móc về làm thực nghiệm.


img

Tiến sỹ Nhạ cho biết đã từng phải giấu gia đình đem thế chấp sổ đỏ lấy tiền làm nghiên cứu. 

“Nhiều năm nghiên cứu nấm côn trùng nên tôi thấy khả năng sản xuất thành công đông trùng hạ thảo ở Việt Nam là rất lớn, vì vậy thay vì đi xây dựng đề tài, dự án, tôi quyết định bỏ tiền túi. Khi mang sổ đỏ gia đình đi thế chấp, vợ con mình không biết” – TS Nhạ nhớ lại.

Thế là từ năm 2006, hàng nghìn thí nghiệm đã được tiến hành ông Nhạ cùng các cộng sự tiến hành. Năm 2011, Viện Bảo vệ thực vật đã cho ra đời quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo thành công, có thể sản xuất trên con chủ (nhộng tằm) hoặc nuôi cấy hình thức công nghiệp.

Có thể chuyển giao cho nông dân

Theo nghiên cứu của các cán bộ Viện Bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo của Trung tâm Đấu tranh sinh học có thể tóm lược ở các công đoạn: chọn nhộng tằm - nguyên liệu đầu vào của quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

img

img

Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy tại Viện Bảo vệ thực vật. 

Nhộng mua về cắt vỏ kén lấy nhộng rồi nghiền nhộng pha với nước, sau đó đổ vào các lọ có chứa một ít gạo lứt, mang đi hấp khử trùng ở nhiệt độ khoảng trên 120 độ C trong vòng 30 phút. Bước tiếp theo là cấy giống nấm vào lọ rồi chuyển vào phòng nuôi cấy.

Thời điểm tiến hành các thực nghiệm, căn phòng nuôi cấy này lúc nào cũng ẩm ướt, các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong phòng đều được điều chỉnh gần nhất với môi trường tự nhiên như ở Tây Tạng, nơi hiếm hoi trên thế giới phát hiện được nấm đông trùng hạ thảo thiên nhiên.

Trong môi trường nhân tạo, có hai thành phần dinh dưỡng chính là dinh dưỡng nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển và giá thể để đỡ thường là gạo lứt. Các nhà khoa học đã khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong với thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện.

Còn trong môi trường nuôi cấy trên ký chủ, Viện Bảo vệ thực vật sử dụng nhộng tằm còn sống và đặt ở cơ sở uy tín không sử dụng hóa chất. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành hệ kín bên trong ký chủ và sinh ra hệ thống quả thể là các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5 cm. Màu đỏ tươi trên quả thể chính là chỉ thị của chất Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ.

Tiến sĩ Nhạ cho biết, trong khi các sản phẩm bên ngoài được bán với giá một tỷ đồng mỗi kg thì sản phẩm của Viện có giá 100-120 triệu/kg với sản phẩm trên con ký chủ; và ở dạng môi trường nhân tạo tương đương 7 triệu đồng/kg. 

Giải thích về câu hỏi, dược tính của đông trùng hạ thảo khai thác tự nhiên so với đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo, Tiến sỹ Nhạ cho biết: “Người tiêu dùng luôn nghĩ tự nhiên sẽ tốt hơn, điều đó đúng. Tuy nhiên, hiện đông trùng hạ thảo do con người sản xuất, dược tính thu được đảm bảo 90% chất lượng so với tự nhiên, vì các nhà khoa học quan tâm tới các thành phần hoạt chất chứa trong loại nấm đó. Chưa nói đến, các công đoạn sản xuất ngay từ yếu tố nguyên liệu đầu vào là chọn lọc loại ký sinh chủ, đã có tuyển lựa. Nên, so sánh đông trùng hạ thảo nhân tạo và tự nhiên, giá trị không hơn nhau là mấy” – Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ cho hay.

Cùng với Viện Bảo vệ thực vật, các nhà khoa học ở Viện Hóa học - Vật liệu cũng nghiên cứu để sản xuất loại đông dược này. Qua nhiều thử nghiệm và sau nhiều lần thất bại, hiện các nhà khoa học đã cho ra đời đông trùng hạ thảo với hoạt chất tốt và năng suất cao.

Hiện nay, Viện Hóa học - Vật liệu đã có thể chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm hoặc cho người nông dân. Với giá thành 60.000 đồng/lọ giống đông trùng hạ thảo, sau 60 - 70 ngày, giá bán sẽ là 500.000 – 700.000 đồng.

Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ cho biết, khi quy trình sản xuất có thể áp dụng rộng rãi, người nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia hợp tác sản xuất được loại sản phẩm có dược tính quý.

Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Đái Duy Ban - Nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hóa Sinh ứng dụng Viện Khoa học Việt Nam - Chủ tịch Hội Hóa Sinh Y học Việt Nam cho biết, đông trùng hạ thảo có nhiều dược tính quý.

Các phân tích hóa học cũng cho thấy trong sinh khối của đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, nhiều nguyên tố vi lượng (Si, K, Na…), 28 acids béo bão hòa và không bão hòa, các loại vitamin như B1, B2, B12, E, K,… và các chất vô cơ và hữu cơ như K, Na, Ca, Mg, Fe, Cu, Mn, Selen (Se)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem