Lạ mà hay: Nuôi dơi lấy phân bán đắt, cây "ăn phân dơi" quả đẹp

Thứ ba, ngày 19/09/2017 13:30 PM (GMT+7)
Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Hậu, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) nuôi dơi, sử dụng phân dơi để bón cho các loại cây ăn trái như cam, quýt, thanh long ruột đỏ của mình. Qua sử dụng phân dơi bón cho cây ăn trái, ông bất ngờ với việc năng suất cây trồng tăng, trái bóng đẹp so với bón các loại phân khác. Tuy nhiên giá bán phân dơi hiện khá cao, từ 50.000 - 70.000 đồng/kg tùy theo từng thời điểm...
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, trước kia chưa nuôi được dơi, muốn có phân dơi bón cho cam, thanh long thì ông phải mua từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nếu phải cộng thêm chi phí vận chuyển từ đó về Hàm Tân thì phân dơi càng cao.

img

Chuồng nuôi dơi của ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Theo các nhà khoa học, thành phần hóa học phân dơi gồm Ure, axít uríc, vitamin A, kali, phốt pho… trong đó, OM (organic matter) chiếm 30 - 65%, phốt pho chiếm tỷ lệ 1,5 - 9%, Nitrơ chiếm 1 - 6%. Điều đó cho thấy hàm lượng phân dơi cao gấp 7 - 10 lần so với phân hữu cơ khác. Từ đó, ông Hậu nảy ra ý tưởng nuôi dơi để lấy phân bón cho 8 ha cam, quýt, thanh long ruột đỏ của nhà mình. Vì thế, mỗi lần đi mua phân dơi ở đồng bằng sông Cửu Long ông đều chú ý quan sát và tìm cách học hỏi cách nuôi dơi lấy phân sao cho hiệu quả.

Đầu năm 2017, khi đủ điều kiện ông Hậu bắt tay vào làm chuồng nuôi dơi ngay tại trang trại của mình ở xã Tân Phúc. Ông Hậu cho biết: “Chuồng dơi được làm theo hình lục giác, gồm 6 trụ cao từ 8 - 10m trở lên, chiều dài nền chuồng khoảng 7 - 10m, chiều rộng khoảng 3 - 5m, trên nóc chuồng treo khoảng 400 - 500 tàu lá dừa nước hoặc tàu lá thốt nốt để cho dơi làm tổ”.

Ông Hậu cho biết thêm: Chi phí làm chuồng dơi thì tùy theo mức độ đầu tư kiên cố hay tạm bợ. Nếu đầu tư kiên cố thì tốn khoảng 80 - 90 triệu đồng/chuồng, nhưng sử dụng được lâu dài từ 15 năm trở lên. Để thu hút dơi về ở, ban đầu ông mua vài chục cặp dơi về nuôi, khoảng vài tuần nó quen dần rồi thả ra môi trường tự do nhằm dụ dơi ở nơi khác cùng về làm tổ. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là nơi làm chuồng dơi phải nơi xa dân cư và phải đảm bảo môi trường an toàn cho dơi. Bởi con dơi rất khó tính, thích sống tự do, nhạy cảm với người lạ, loài vật, côn trùng…

img

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, cây ăn trái, trong đó có thanh long ruột đỏ của gia đình ông được bón phân dơi thì cho năng suất cao hơn, mã quả đẹp hơn, chất lượng tốt hơn. Ảnh: IT.

Mỗi ngày dơi bay đi tìm mồi rồi lại bay về tổ và nhả phân. Nuôi dơi không phải cho ăn, chăm sóc gì, tuy nhiên cũng thường xuyên làm vệ sinh chuồng dơi, thay những tàu lá dừa nước hoặc tàu lá thốt nốt bị hỏng. Với một chuồng nuôi dơi mới xây dựng nhưng mỗi ngày ông Hậu thu được khoảng 3 kg phân dơi. Nếu đàn dơi về ở càng nhiều thì lượng phân sẽ càng tăng.

Nuôi dơi không những thu được phân bón cho cây trồng mà còn tác dụng diệt muỗi, chống được các loại dịch bệnh. Bởi, mỗi ngày 1 con dơi ăn khoảng 5.000 con muỗi, côn trùng. Đây là giải pháp diệt muỗi hiệu quả mà không cần sử dụng hóa chất.

Quang Phát (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem