Mấy năm trước, nông dân ở xã Hòa Lạc (Phú Tân, tỉnh An Giang) phất lên nhờ mô hình nuôi cá nàng hai (thác lác cườm) thương phẩm. Xu hướng nuôi ngày càng nhiều khiến giá cả đầu ra bấp bênh, ông Hồ Văn Nhiều (ngụ ấp Hòa Bình 3) quyết định đổi hướng sang nuôi cá heo đuôi đỏ. Loài cá được ông Nhiều đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong số cá nuôi nước ngọt đang tạo sức hút mới với những bạn nghề.
Kiểm tra cá heo đuôi đỏ nuôi trong lồng tại gia đình ông Hồ Văn Nhiều, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Ông Nhiều cho biết, ngày trước nuôi cá nàng hai rất hiệu quả, song có thời điểm giá xuống thấp bất ngờ. Theo dõi qua mạng xã hội và trao đổi với người dân trong nghề ở huyện đầu nguồn An Phú, thấy nuôi cá heo đuôi đỏ hiệu quả kinh tế cao hơn nên ông Nhiều chuyển đổi để thử sức.
“Nhà có 3 anh em, từ năm 2017 đến nay thả nuôi tổng cộng 9 lồng bè. Sau 2 năm nuôi cho thấy, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Cá heo thương phẩm có giá 280.000-300.000 đồng/kg, cứ 2-3 ngày có bạn hàng đến nhà đặt mua từ vài chục đến 100kg, thu hoạch liên tục trong 2 tháng mới hết bè” - ông Nhiều thông tin.
Ông Nhiều nhận định, so với các loại cá nước ngọt, cá heo đuôi đỏ đang cho hiệu quả kinh tế cao. Chúng là loài cá tự nhiên, được xem là đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, chế biến thành nhiều món ngon, trong khi số hộ nuôi hiện nay không nhiều, nên đầu ra được khách hàng chủ động tìm kiếm.
Vì vậy, thấy hiệu quả từ những người tiên phong nuôi cá heo đuôi đỏ ở xã Hòa Lạc như hộ ông Hồ Văn Nhiều, dân nuôi cá khác đang muốn học hỏi để chuyển đổi.
Cá heo đuôi đỏ nuôi tại lồng bè nuôi của gia đình ông Hồ Văn Nhiều đang được xuất bán cho thương lái với giá từ 280.000-300.000 đồng/kg.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi các loại cá, nhưng ông Nhiều vẫn thừa nhận nuôi cá heo đuôi đỏ không hề dễ, phải chấp nhận tỷ lệ hao hụt cao, bù lại nhờ giá bán lý tưởng nên người nuôi vẫn có đồng lời hấp dẫn.
Cá heo có mình bóng, đuôi màu đỏ cam, đầu có 2 ngạnh, thức ăn của chúng là cá tạp xay nhuyễn trộn cám hoặc thức ăn công nghiệp.
Nói về kỹ thuật nuôi cá heo đuôi đỏ, kinh nghiệm nuôi cá heo đuôi đỏ, ông Nhiều cho hay, về mật độ thả nuôi, ông có 2 loại bè, bè lớn (4 x 6m) thả nuôi 1 tấn, thu hoạch được 2 tấn; bè nhỏ (3 x 5m) thả 300-500kg giống, thu hoạch trên 1 tấn cá thương phẩm. |
Cá heo đuôi đỏ giống được ông Nhiều chọn mua chủ yếu ngoài tự nhiên do dân đặt đú ở An Phú cung cấp. Trong lồng bè đặt nhiều ống tre hoặc ống nhựa kết lại để cá trú ẩn, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Cá heo thường bị bệnh nấm ký sinh, tỷ lệ hao hụt cao (5-5 hoặc 6-4).
Theo ông Nhiều, quan trọng là chọn con giống mạnh khỏe, nhận biết sức khỏe của cá để định kỳ tạt thuốc diệt ký sinh trùng. Đến vụ thu hoạch, dù bị hao hụt tỷ lệ cao nhất người nuôi vẫn có thể bỏ túi từ 100-150 triệu đồng/bè. Cá heo sinh trưởng từ 5 - 7 tháng là đủ chuẩn bán ra nên 1 năm ông có thể nuôi đến 2 vụ, đảm bảo nguồn vốn tái đàn và thu nhập cho gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lạc Hồ Ngọc Lợi cho biết, theo chủ trương của địa phương, ngoài làm lúa, Hội Nông dân còn vận động bà con làm thêm nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập. Hộ dân nào có đất thì đào hầm nuôi cá, đem lại thu nhập hàng đầu là các mô hình nuôi cá tra, cá nàng hai, các loại cá giống, cá heo đuôi đỏ.
Đặc biệt, theo ông Lợi, xã Hòa Lạc có lợi thế nằm cặp sông Hậu dài 8km, hiện có nhiều hộ nuôi cá heo đuôi đỏ bằng lồng bè. Qua 2 năm, mô hình này đem lại hiệu quả cao, phát triển từ vài bè thử nghiệm ban đầu nay có hơn chục bè chuyên nuôi cá heo đuôi đỏ thương phẩm, mỗi bè bình quân thả nuôi 1 tấn.
"Đối với những hộ nuôi thành công, địa phương khuyến khích mở rộng và sẵn sàng hỗ trợ về vốn. Còn những hộ đang muốn học theo, Hội Nông dân sẽ khảo sát nhu cầu, điều kiện và giúp đỡ bà con tiếp cận các nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, địa phương sẽ phối hợp ngành chức năng mở lớp đào tạo kỹ thuật nuôi cá heo đuôi đỏ cho nông dân để vận dụng kiến thức nuôi hiệu quả hơn...", ông Hồ Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lạc. |
Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.