Ởvùng thường xuyên bị xâm nhập mặn như huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), cây lác là lựa chọn phù hợp và là nguồn thu nhập chủ lực của nhiều người dân.
Những ngày này, đi dọc con đường từ thị trấn Vũng Liêm xuyên qua các xã Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, đâu đâu cũng thấy cảnh thu hoạch lác vô cùng tất bật, hối hả. Những canh đồng trồng loài cỏ dại này xanh đến nhức mắt-một màu xanh no ấm. Các công đoạn như phác, gom, so đầu hay chẻ sợi…tất cả đều được các cô, các chú nông dân thực hiện thoăn thoát và vô cùng điêu luyện.
Những cánh đồng lác ở huyện Vũng Liêm đang tất bật vào vụ thu hoạch. Ảnh: M.A. Cảnh thu hoạch loài cỏ dại này trên canh đồng mùa khô ở miền Tây tạo nên những khung cảnh hết sức đẹp mắt và sống động...
Ở xứ này, không ai nhớ rõ nghề trồng cây lác có từ bao giờ. Đây vốn là một loại cây cỏ hoang dại, nhưng nhờ nó mà hàng chục năm qua bà con nơi đây thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Từ đó, mô hình trồng cỏ lác này được bà con nhân rộng ra khắp vùng.
Cây lác được trồng ở vùng Vũng Liêm (Vĩnh Long) là loại lác voi, thân mập, cọng dai, cao đến hơn 1,5m thuộc họ lác cói. Cây lác dễ trồng, không kén đất, có thể sống ở vùng đất khắc nghiệt ít nước tưới hay bị xâm nhập mặn. Đặc biệt, cây lác chỉ cần trồng một lần, bón phân đúng định kỳ thì có thể thu hoạch liên tiếp bảy đến tám năm, thậm chí mười năm.
Không khí thu hoạch rộn ràng trên các cánh đồng huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: M.A.
Theo người dân địa phương, thông thường, sau khi trồng khoảng 4 – 5 tháng khi cây lác đến độ trưởng thành và có thể thu hoạch chứ không chờ trổ bông. Riêng ở đợt đầu tiên sau khi trồng lác, thường phải mất từ 9-10 tháng.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thúy (ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Người trồng lác sẽ xới đất lên cũng như sạ lúa vậy, sau đó cấy lác xuống, khoảng thưa như lúa mùa. Kế đến thì rải phân, xịt thuốc cho ruộng lác như là trồng lúa. Mùa đầu tiên mình cấy lác xuống chừng 10 tháng mới có thu hoạch, thời gian thu hoạch lác cỡ 1 tháng, khi thu hoạch xong thì tiến hành nhổ cỏ”.
Mỗi người sẽ chia nhau công việc, hoặc làm vần(đổi) công cho nhau, cánh đàn ông thường đảm nhận các công việc nặng trong khâu thu hoạch cỏ lác. Ảnh: M.A.
“Hồi đó ở đây dân nghèo dữ lắm, từ khi mần lác đến nay thì cuộc sống bà con khá lên hẳn. Là thứ cỏ dại vầy thôi chớ trồng lác khá hơn gấp mấy lần làm lúa” - bà Lê Thị Oanh (ngụ huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) chia sẻ.
Khi tới mùa thu hoạch lác ai cũng đổ ra ruộng, cánh mày râu thì lo cắt lác vì chuyện này đòi hỏi có sức khỏe; còn các cô, các chị sẽ đảm trách việc giũ sạch bã, phân loại rồi đến công đoạn chẻ lác. Ở khâu này, cần phải có 2 người làm mới nhanh. Lác sau khi chẻ sẽ được phơi dàn đều. Có chỗ phơi luôn trên ruộng, có sân thì phơi trên những sợi dây nhựa căng dài.
Ngay việc phơi lác khô ngọn cũng rất quan trọng, thường mất khoảng một ngày nếu nắng thật tốt, 2 ngày nếu nắng yếu hoặc trời có mưa ít. Khi ngọn lác đã khô, tiếp tục búng lại thành từng lọn nhỏ và phơi gốc bằng cách xòe búng lác giống như hình chiếc quạt.
Những búng lác được rải xòe ra phơi như những cánh quạt. Ảnh: M.A.
Do đặc thù nhiều công đoạn, nên thu hoạch lác cần nhiều nhân công, một công lác có đến cả chục người làm. Cho nên, người trồng lác miệt này thường làm vần công (giúp qua giúp lại) cho nhau trong mùa vụ; nếu thuê nhân công thì mỗi người cũng thu từ từ 100-200.000đồng/ngày tùy thuộc vào công việc đảm trách.
Ban đầu diện tích trồng lác chỉ vài chục ha, nhưng vì mang lại hiệu quả cao nên người dân ngày càng mạnh dạn bỏ cây lúa, chuyển sang trồng cỏ lác. Thường cây lác mỗi năm làm 3 vụ, mỗi một công lác thường thu được 1- 1,5 tấn lác phơi khô, với giá bán tại ruộng 14.000 -18.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí nông dân còn lời 10-15 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần so với cây lúa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.