Là "vựa" thanh long nhưng Bình Thuận vẫn thiếu một thứ để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 14/01/2022 18:30 PM (GMT+7)
Đợt ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu sang Trung Quốc lớn nhất đến nay đã bộc lộ điểm yếu của ngành sản xuất trái cây Việt Nam. Đó là chủ yếu xuất khẩu tươi và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đẩy mạnh chế biến lại càng là đòi hỏi cấp thiết lúc này.
Bình luận 0

"Vựa" thanh long nhưng chỉ có các cơ sở chế biến nhỏ

Thông tin tại Diễn đàn Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 13/1, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết: Hiện nay, thanh long và điều là hai loại nông sản có sản lượng lớn nhất tỉnh. Trong đó, thanh long đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Dù có diện tích thanh long lớn nhất cả nước nhưng đến nay toàn tỉnh Bình Thuận mới có khoảng 110 cơ sở chế biến thanh long, tuy nhiên chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế. Năng lực chế biến đạt khoảng 25%/năm tổng sản lượng (tương đương 600.000 - 700.000 tấn).

Là "vựa" thanh long nhưng Bình Thuận vẫn thiếu một thứ để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Thanh long sấy dẻo của nhà máy chế biến thanh long sấy tại Bình Thuận. Ảnh: Sunsay Việt Nam.

"Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho các hợp tác xã, hộ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mối liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người sản xuất còn lỏng lẻo nên hiệu quả đạt được chưa cao" - ông Tấn nói.

Trên cơ sở đó, ông Tấn bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ Bình Thuận trong công tác xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đồng hành với người nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods cho biết, Nafoods cũng đang hòa mình vào cái chung của các doanh nghiệp sản xuất, chung tay xử lý việc ùn ứ ở cửa khẩu. Doanh nghiệp này mỗi ngày tiêu thụ 500-600 tấn thanh long, xoài tại các nhà máy chế biến ở khắp 3 miền đất nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo Nafoods cũng nêu vấn đề về "sản lượng nguyên liệu nhiều thì nhà máy chế biến rất mừng", song câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật vẫn là thách thức.

Để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, Chủ tịch HĐQT Nafoods mong muốn Bộ NNPTNT hạn chế nhập khẩu với những giống mà doanh nghiệp trong nước đã chủ động. "Nafoods đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm nên giống chanh leo thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi mong rằng các địa phương cần quản lý chặt chẽ với các đơn vị nhỏ lẻ làm giống giả. Đây là việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân"- ông Hùng nêu một thực tế.

Ông Hùng cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý các hiệp hội, tránh việc tranh mua tranh bán.

Nâng cao năng lực chế biến trái cây, giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Dây chuyền chế biến xoài của Công ty Tân Uyên (Cai Lậy, Tiền Giang). Ảnh: K.N

Từ 2018-2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%.

Nâng cao năng lực chế biến

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức "trung bình tiên tiến", năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%.

Ông Toản cho rằng vai trò chủ lực để giải quyết vấn đề này nằm ở các doanh nghiệp, hiệp hội. Về phía người sản xuất, mấu chốt nằm ở việc nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn.

"Vấn đề đặt ra là quả tươi đi vào đâu, vùng chuyên canh phục vụ chế biến ở đâu, như thế nào. Ví dụ như quả cam ở Cao Phong, Hòa Bình là để dùng tươi. Quan điểm về hoa quả chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm. Đơn cử như Nafoods, đơn vị này chế biến nhiều loại quả sấy khô, sấy dẻo, yêu cầu cao về mặt đầu vào"- ông Toản thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, trong 3 - 4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ 2018 - 2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay, tỷ lệ chế biến còn thấp. "Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến. Tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo" - ông Toản dẫn chứng.

Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là công suất nhà máy chế biến mới 60%, do không đủ nguyên liệu.

"Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã trực tiếp chỉ đạo vùng nguyên liệu để đáp ứng cho vùng chế biến, đa dạng hóa mô đun chế biến. Mô hình của Đồng Giao ở Ninh Bình đa dạng từ chuối, dứa... nên thành công nhiều năm qua" - ông Toản nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem