Những năm qua, tỉnh Đăk Lăk đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để ổn định dân di cư tự do (DDCTD). Đến hết năm 2011, UBND tỉnh này cũng đã phê duyệt thêm 14 dự án liên quan đến DDCTD với tổng kinh phí dự kiến lên đến gần 400 tỷ đồng. Song có một thực tế rất đáng lo ngại đó là dù có bỏ thêm gấp nhiều lần số tiền ấy thì Đăk Lăk vẫn khó hoàn thành được mục tiêu đầu tiên đó là: Ổn định dân cư.
|
Được bố trí nơi ở mới với nhiều điều kiện sinh hoạt tốt hơn, nhưng dân bản Mông vẫn thích sống trong rừng. |
“Ở rừng sướng hơn”
Năm 2008, trước tình trạng DDCTD lấn, phá rừng ồ ạt tại lâm phần Lâm trường Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar), UBND tỉnh Đăk Lăk đã quyết định bố trí 15ha đất tại tiểu khu 550 để di dời, ổn định 80 hộ dân đang sống giữa rừng. Bốn năm sau, khi dự án này chưa hoàn thiện thì nó đã trở nên bất cập. Số DDCTD đang sống trong rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm bây giờ không phải là 80 hộ nữa mà đã tăng gấp hơn 2 lần.
Như vậy, muốn rừng yên, không cách nào khác tỉnh này phải tiếp tục bỏ thêm tiền, bố trí đất đai chuyển nốt số người dôi ra này. Khó khăn này có thể khắc phục nhưng vấn đề lớn hơn là làm thế nào để dân chịu ra khỏi rừng. Bốn năm qua, chính quyền sở tại cùng với lâm trường đã có hàng trăm cuộc nói chuyện lớn nhỏ với dân, song kết quả gần như bằng không.
Hiện tại, ở khu tái định cư này vẫn có nhà dân ở, song đa phần là những người mới vào “không nơi nương tựa”, hoặc một số người muốn cho con mình được học hành nên ra đó dựng nhà. Thực tế, họ chỉ xem nơi này là chỗ trọ, còn nhà vẫn là ở trong rừng. “Trong nhiều cuộc họp bản, người dân nói thẳng với chúng tôi, họ sẽ quyết bám rừng”- ông Phạm Đình Tường - Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm kể.
Phàn Văn Tịnh - một công dân của bản Mông, cũng khẳng định: “Dân mình thích ở trong rừng hơn ra ngoài. Ở đây gần cái nương, cái rẫy tiện hơn nhiều. Còn nếu ai muốn cho con cái đi học gần trường thì cứ cất tạm cái nhà cho chúng ngoài đó. Thế là tốt nhất”. Tịnh còn cho biết, người bản Mông chưa bao giờ quan tâm đến việc học hành của con cái.
Bỏ thì thương, vương thì nợ
Sống biệt lập trong rừng, trình độ dân trí ở mức “quá thấp”, canh tác theo lối truyền thống (đốt rừng, chọc lỗ, tỉa hạt, săn bắn…) đã khiến đại bộ phận DDCTD không chỉ nghèo mà cả một thế hệ tương lai- con cháu họ- cũng u mê giữa đại ngàn.
Thực tế ấy đã diễn ra hàng chục năm nay. Dù địa phương tìm mọi cách để nâng cao đời sống mọi mặt cho DDCTD nhưng càng làm càng thấy… mênh mông, người trước chưa yên thì người sau đã ồ ạt đến. Thậm chí có giai đoạn, các huyện “quên” luôn DDCTD. Như năm 2011, các huyện báo cáo DDCTD chỉ phát sinh thêm 9 hộ. Trong khi đó, khẳng định của HĐND tỉnh, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011 đã phát sinh thêm 395 hộ với hơn 1.700 khẩu.
Sự chênh lệch ấy không khỏi khiến người ta cảm giác rằng địa phương đã quá mệt mỏi trong việc giải quyết vấn nạn DDCTD! Tuy nhiên, trên thực tế nỗ lực để ổn định DDCTD ở Đăk Lăk rất đáng ghi nhận. Từ 1996 đến năm 2011, đã có hơn 1,5 vạn dân được sắp xếp ổn định.
Theo ông Trang Quang Thành: “Nếu không có sự chung tay của nhiều tỉnh, cụ thể là những nơi có dân đi, thì Đăk Lăk không thể hoàn thành được mục tiêu ổn định DDCTD” .
Có điều, như một lãnh đạo tỉnh này thừa nhận với chúng tôi: “Nếu địa phương càng làm tốt việc ổn định đời sống cho DDCTD thì đấy là cách khuyến khích người ta đến nhiều hơn”.
Ông Trang Quang Thành- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, DDCTD đã có nhiều tác động tiêu cực đối với tình hình kinh tế, xã hội, an ninh… của địa phương. Trong đó, nóng nhất vẫn là nạn phá rừng. Song dù biết họ phá rừng cũng rất khó mà xử phạt. Một mặt vì họ chẳng có gì để phạt, mặt khác họ không phá tập trung mà chia lẻ ra để lách luật.
Vấn đề nan giải hơn là nếu kiên quyết thu hồi diện tích đã phá thì xem như cắt đường sinh sống của họ. Vậy là “tiến thoái lưỡng nan”. Càng “vương” càng “nợ”, hàng trăm tỷ đồng đã bỏ ra mà vẫn không xuể. Đến cuối năm 2011, tỉnh này lại tiếp tục phê duyệt thêm 14 dự án ổn định DDCTD với kinh phí phê duyệt gần 400 tỷ nữa. Trong khi 14 dự án này vẫn chưa có gì tiến triển vì thiếu vốn thì lại “lòi” ra thêm gần 3.500 người đang chơ vơ trong rừng.
Cùng với khó khăn này, ở nhiều nơi lại xảy ra tình trạng lấn chiếm đất dự án. Điển hình như khu đất của dự án ổn định cho hơn 200 hộ tại các tiểu khu 249, 265, 271, xã Cư MLanh, huyện Ea Súp đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm trồng cây, làm nhà. Những khó khăn này giải thích vì sao 14 dự án của tỉnh đến nay chỉ chủ yếu đầu tư giải quyết một số hạng mục mang tính cấp bách với số vốn giải ngân chỉ đạt hơn 200 triệu đồng.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.