Lai Châu: Dân tái định cư khát nước giữa mùa mưa

Vinh Duy Thứ bảy, ngày 07/10/2017 08:21 AM (GMT+7)
Thực hiện di dân tái định cư (TĐC) thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, hơn 7 năm chuyển lên vùng đất mới, nhiều người dân 2 huyện Than Uyên và Tân Uyên (Lai Châu) vẫn đang hàng ngày thiếu nước sinh hoạt.
Bình luận 0

Dân muốn có nước phải tự đầu tư

Ông Lù Văn Vân, bản Cò Cai, xã Ta Gia, huyện Than Uyên chia sẻ: “Để vợ, con có nước dùng hàng ngày, tôi phải đầu tư gần 6 triệu đồng mua 13 cuộn ống nhựa dẫn nước về nhà. Khổ nhất là có tình trạng các hộ cạnh tranh, chặt ống của nhau nên 1 tuần phải đi sửa 2-3 lần mới có nước dùng”.

Chị Lò Thị Phó, bản TĐC Cò Cai đang gánh thùng đi sang nhà hàng xóm để xin nước, chị tâm sự: “Do gia đình không có tiền mua ống dẫn nước về nên ngày nào cũng phải đi xin nước thì mới có nước sinh hoạt cho 9 người trong nhà”.

img

Chị Lò Thị Phó, bản TĐC Cò Cai, xã Ta Gia, huyện Than Uyên thường ngày phải đi xin nước bà con trong bản. V.D

Trưởng bản Cò Cai  - ông Tòng Văn Xuốn cũng không ngoại lệ. Ông Xuốn đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng để mua dây ống dẫn nước về nhà. Ông cho biết: Trung bình mỗi hộ dân Cò Cai phải mất vài triệu đồng để dẫn nước từ đầu nguồn về làm nước sinh hoạt. Nhiều hộ chưa có điều kiện mua ống dẫn nước thì đi xin những hộ gia đình khác.

Được biết, bản TĐC Cò Cai có 55 hộ thì chỉ có 30 hộ có điều kiện mua ống dẫn nước về, còn lại là đi xin nước.

Bản di chuyển tái định cư thủy điện Huội Quảng về đây từ năm 2010 và được đầu tư gần 20 bể chứa nước chung. Nhưng các bể chỉ sử dụng được đến năm 2013, sau đó bị mất nước, ảnh hưởng đến đời sống các hộ.

img

Những chiếc bể cạn khô bản TĐC Bằng Mai, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên. V.D 

Ông Vàng A Mang – Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết: “Toàn xã có 6 bản TĐC, trên 400 hộ, trong đó có khoảng 300 hộ ở các bản: Gia, Mè, Cò Cai, Tèn Cò Mư rơi vào tình trạng thiếu nước. Nguyên nhân là do mưa lũ làm trôi trụ đỡ ống nước qua khe, đất bịt kín đường ống hay việc thi công các công trình thủy lợi làm ảnh hưởng đường nước. Các hộ phải tự khắc phục bằng việc mua ống dẫn nước về sử dụng, mùa mưa thì đỡ nhưng mùa khô thì khó khăn nhiều do nguồn nước cạn kiệt”.

Ở bản TĐC Phiêng Lúc, Bằng Mai, Phiêng Toòng thuộc xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên có 76 hộ TĐC di chuyển theo dự án thủy điện Bản Chát cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Anh Hoàng Văn Đôi – Trưởng bản TĐC Phiêng Lúc, xã Nậm Cần cho biết: “Hiện nay, mặc dù là mùa mưa nhưng các hộ phải bỏ tiền mua ống dẫn nước ở tận đầu suối về dùng. Mùa mưa là vậy, còn mùa khô người dân phải xuống tận sông Nậm Mu để tắm giặt và dùng can đựng nước chở về làm nước sinh hoạt. Bà con mong muốn tỉnh, huyện sớm có phương án khắc phục, sửa chữa, nâng cấp để người dân TĐC sớm có nước sinh hoạt”.

img

Người dân tự bỏ tiền ra để mua đường ống dẫn nước về sinh hoạt. V.D

Người dân sẽ… còn tiếp tục chờ đợi 

Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình sau đầu tư không có nước có nhiều lý do: Trước hết là chính quyền xã, bản lơ là trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc bảo quản, vận hành. Một số nhà thầu chưa làm hết trách nhiệm trong khảo sát, thiết kế, thi công công trình nước nên dẫn đến công trình không phát huy được hiệu quả.

Ông Vũ Văn Hòa – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên cho biết: “Việc quản lý, sử dụng sau đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt còn hạn chế, một số công trình xuống cấp nhanh. Ban đã cử cán bộ xuống từng điểm TĐC rà soát, thống kê công trình nước sinh hoạt đang hoạt động, công trình xuống cấp, không sử dụng được. Đồng thời tham mưu cho huyện có phương án bố trí sửa chữa, nâng cấp”.

img

Bể nước tại bản tái định cư Cò Cai, xã Ta Gia, huyện Than Uyên cạn khô, đầy bùn đất. V.D

Huyện Tân Uyên có 13 công trình cấp nước sinh hoạt tại 19 điểm TĐC, trong đó có 9 công trình có nước, 4 công trình không hoạt động.

Theo ông Lê Thanh Huy – Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân TĐC huyện Tân Uyên: Các công trình nước không hiệu quả do được bàn giao từ năm 2011 đến nay bước sang năm thứ 7 nên quá trình vận hành bị hư hỏng do thiên tai, sạt gãy, tắc đường ống, bể chứa bị lấp đất đá. Ban đang đề xuất huyện bố trí các nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa và thí điểm đưa Doanh nghiệp, Hợp tác xã vào quản lý, vận hành có thu tiền đảm bảo nguồn nước cho người dân. 

>>> XEM THÊM: Hà Nội: Uống nhầm thuốc ngâm trị ghẻ, bệnh nhân bị "cháy" cổ họng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem