Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Để đào tạo nghề được hiệu quả và tiện lợi cho người học nghề, Trung tâm đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tổ chức các lớp học. Sau khi học nghề, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ và được bố trí việc làm ngay tại các đơn vị phối hợp thực hiện đề án”.
Bằng cách làm thiết thực đó, thời gian qua, hàng trăm nông dân các dân tộc ở các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên, TP.Lai Châu đã được học các nghề: Mộc dân dụng, cơ khí, mây tre đan, dệt thổ cẩm… Bà Lò Thị Ly - dân bản Mường So, xã Mường So, huyện Phong Thổ, cho biết: “Tôi cùng hơn 100 người nữa ở khu vực này đã được học nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm của chúng tôi làm ra được tiêu thụ hết nên thu nhập cũng đảm bảo cho cuộc sống gia đình”.
(Ảnh minh hoạ, nguồn: Báo Lai Châu)
Gần ngay trung tâm xã Bản Bo (huyện Tam Đường), xưởng mộc của anh Lò Văn Quý, lúc nào cũng tấp nập, tiếng người, tiếng máy đan xen. Anh Quý cho biết: “Tôi làm nghề mộc cũng lâu rồi nhưng cũng chỉ bập bẹ thôi. Năm ngoái được dự lớp đào tạo nghề mộc dân dụng của tỉnh tổ chức, anh em chúng tôi tập hợp nhau góp vốn mở xưởng mộc. Biết nghề, làm tốt, giá cả phải chăng thì cũng không thiếu việc làm”.
Được biết, thời gian tới hoạt động khuyến công ở Lai Châu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và theo định hướng bảo tồn và phát triển những nghề thủ công truyền thống của tỉnh. Một trong những địa bàn được tỉnh ưu tiên đào tạo nghề là vùng tái định cư mới của thủy điện Sơn La, nhằm giúp người dân ở khu định cư sớm ổn định cuộc sống…
Tráng Đinh Minh (Tráng Đinh Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.