Lại cháy nhà không lối thoát hiểm, 8 người chết ở TP.HCM: Người dân hãy thay đổi để tự cứu mình!
Mỹ Quỳnh - Chí Tâm
Thứ bảy, ngày 08/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
Hàng trăm vụ cháy xảy ra tại các căn nhà ống, nhà hộp ở nhiều thành phố lớn đã cướp đi biết bao sinh mạng, nguyên nhân chỉ vì nhà chỉ có một cửa chính, không có lối thoát hiểm. Mới đây nhất là vụ cháy nhà 8 người chết ở quận 11, TP.HCM ngày 7/5.
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 7/5, một căn nhà trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM) bốc cháy dữ dội. Dù người dân xung quanh và lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP.HCM đã nỗ lực giải cứu, nhưng vụ cháy vẫn khiến 8 người bị ngạt dẫn đến tử vong.
Được biết, đây là căn nhà 1 trệt 2 lầu (tổng diện tích 126m2) nằm trong hẻm sâu, cách đường lớn khoảng 300m. Khi đám cháy xảy ra, người dân xung quanh tìm cách dập lửa tại chỗ nhưng bất thành. Khi lực lượng PCCC&CNCH Công an TP.HCM đến hiện trường cũng rất khó khăn để tiếp cận.
Điều đáng nói, ngôi nhà này chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không có lối thoát hiểm nên khi sự cố cháy nổ xảy ra, người trong nhà không thể thoát thân. Đây là câu chuyện rất đau lòng, rất xót xa nhưng lại không hiếm gặp tại TP.HCM cũng như nhiều thành phố lớn khác.
Tương tự, vào tháng 4/2021, một vụ hỏa hoạn trong ngôi nhà ống kết hợp kinh doanh tại số 311 Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến 4 người thiệt mạng. Đây là căn nhà mặt phố, lực lượng cứu hộ cứu nạn khá dễ dàng triển khai công tác cứu hoả, nhưng vì chỉ có lối thoát duy nhất nên cũng phải hơn 3 giờ mới dập tắt được đám cháy.
Đặc biệt, không lâu trước đó, những ngày cuối tháng 3/2021, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra hai vụ cháy làm 9 người tử vong. Trong đó, vụ cháy tại căn nhà cấp 4 nằm tại số 899 đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP.Thủ Đức làm 6 người chết. Còn vụ cháy tại căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 123 đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8) cũng đã khiến một gia đình gồm 3 thành viên tử vong. Đây đều là hai căn nhà được xây kín, bít bùng, chỉ có một lối ra duy nhất nhưng lại bị chắn bởi đồ đạc và phương tiện đi lại.
Cần bố trí lối thoát để "tự cứu mình"
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM cho biết, các gia đình nên bố trí lối thoát hiểm để bảo vệ gia đình trước những hiểm hoạ cháy nổ có thể xảy ra.
"Nước xa không cứu được lửa gần", nên người dân cần nâng cao kiến thức của mình về công tác thoát nạn, với phương châm "Tự cứu hơn là chờ người tới cứu". Vì vậy, khi phát hiện có cháy, nổ tại chính căn nhà của mình, mọi người cần biết được đường, lối thoát nạn nào để thoát ra khỏi căn nhà đang cháy một cách an toàn, khi mà lực lượng PCCC&CNCH chuyên nghiệp chưa đến nơi.
Đối với khu dân cư hiện hữu, không bố trí cải tạo được khoảng lùi phía sau để thoát nạn khi khẩn cấp thì chủ nhà, cá nhân hộ gia đình phải tự bố trí lối thoát nạn khẩn cấp cho nhà khi cần thiết.
Lối thoát nạn khẩn cấp có thể là lối lên mái từ cầu thang bộ, lối ra mái từ thang leo, thang đứng, lối ra ban công, lô gia... mà từ đó thể leo sang nhà bên cạnh cùng độ cao; hoặc bố trí thang dây, thang xếp để có thể tiếp cận sang nhà bên cạnh nếu không cùng cao độ.
Đối với khu dân cư đã và đang quy hoạch thì đơn vị quy hoạch có thẩm quyền phải phê duyệt quy hoạch đảm bảo có khoảng lùi phía sau nhà, để đảm bảo yêu cầu thoát nạn khẩn cấp đảm bảo theo quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM, qua ghi nhận, tổng hợp các số liệu thống kê thì nguyên nhận các vụ cháy thường xảy ra là do chập điện.
Mà nguyên nhân chập điện là do việc người dân tự ý câu, mắc thêm phụ tải điện để sử dụng nhưng không tuân thủ các quy định của ngành điện. Tự ý cải tạo lại hệ thống phụ tải, dây điện phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất mà không có ý kiến của đơn vị chuyên ngành về điện. Sử dụng các thiết bị dây dẫn điện, bộ phận bảo vệ không đảm bảo chất lượng...
Những nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ trên hoàn toàn có thể khắc phục được nếu chủ đầu tư, cá nhân hộ gia đình có ý thức trong việc sử dụng điện và trong quá trình cải tạo, đấu nối các thiết bị sử dụng điện.
"Khó khăn lớn nhất là ý thức của chủ đầu tư, cá nhân hộ gia đình còn hạn chế, thiếu hiểu biết hoặc xem thường việc tự ý cải tạo, đấu nối các thiết bị sử dụng điện mà không có ý kiến của đơn vị chuyên ngành và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật" - vị lãnh đạo cho biết.
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ trong hộ gia đình, người dân cần lưu ý một số nội dung sau: Trước tiên, cần ý thức công tác phòng ngừa nguy cơ cháy nổ phát sinh trong hộ gia đình, nhất là việc không câu mắc, đấu nối phụ tải các thiết bị sử dụng điện không phù hợp với thiết kế mạng lưới điện của nhà mà không có ý kiến của cơ quan chuyên ngành về điện.
Sử dụng các thiết bị điện đảm bảo chất lượng; Lắp các thiết bị cảnh báo rò rỉ LPG và báo cháy tự động tại chỗ. Tự trang bị các bình chữa cháy xách tay và các thiết bị phục vụ thoát nạn khi có sự cố cháy như mặt nạ phòng, lọc khói khí độc, búa rìu để phá cửa thoát hiểm, thang dây, thang leo để thoát nạn sang nhà bên cạnh hoặc xuống đất.
Trong quá trình đun nấu phải thường xuyên giám sát, khi đun nấu xong tạo thói quen tắt bếp điện, khóa bếp gas. Không đốt vàng mã tùy tiện bên trong nhà mà phải bố trí vị trí đốt thông thoáng, biệt lập như sân thượng, ngoài hiên nhà...
Ngày 8/5, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM tiếp tục phối hợp cùng Công an TPHCM khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ vụ cháy căn nhà ở đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11 khiến 8 người tử vong.
Anh Nguyễn Thành Tựu (SN 1961, ngụ quận 11) là người sống sót duy nhất trong vụ cháy cho biết, trong lúc khiêng thùng xi đánh bóng gạch vừa nấu xong vô ý làm đổ xuống sàn nhà, xi chảy lan ra bếp lửa đang nấu sáp đèn cầy cách đó khoảng 1m gây cháy căn nhà. Qua điều tra, công an xác đinh căn nhà cháy là do chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (SN 1977) làm chủ, có diện tích 126m2, 1 triệt, 1 lầu, 1 lửng.
Anh Tựu là người trực tiếp sản xuất kinh doanh xi đánh bóng gạch được chế biến từ sáp đèn cầy và dầu lửa tại căn nhà này. Bước đầu, việc kinh doanh này chưa có giấy phép.
Như Dân Việt đã thông tin, chiều 7/5, người dân nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ căn nhà 1 trệt 2 tầng lầu 47/58/2 đường Lạc Long Quân, với diện tích 126m2. Người dân tiếp cận chữa cháy nhưng không thành công.
Sau hơn 1 giờ chữa cháy, lực lượng chức năng mới khống chế hoàn toàn ngọn lửa. Vụ cháy khiến cho 8 người tử vong vì ngạt khói. Lực lượng chức năng đã giải cứu được 1 người ra ngoài đưa đi cấp cứu. 8 người tử vong gồm: Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (SN 1977, là chủ nhà), anh Hồ Đình Thắng (SN 1978, em rể chị Thanh), các con chị Thanh là cháu Lê Kim Tuyến (SN 2003), cháu Lê Ngân Tuyến (SN 2008), cháu Lê Tân Tuyến (SN 2012), cháu Hồ Đình Nam (SN 2012, con anh Thắng), cháu Nguyễn Tấn Đạt (SN 2006, là cháu đến nhà chị Thanh chơi) và 1 cô giáo (chưa rõ danh tính). Đến 22h30 cùng ngày, lực lượng mới hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.