Lãi đột biến, cổ phiếu “vua tôm” vẫn... sụt giá thê thảm

Quốc Hải Thứ năm, ngày 16/11/2017 13:00 PM (GMT+7)
So với mức giá ngày chào sàn trở lại cách nay đúng 1 tháng lên tới 110.000 đồng/CP, cổ phiếu “vua tôm” Minh Phú (Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, mã chứng khoán MPC) hiện đã giảm mất gần 38% giá trị, chỉ còn 68.800 đồng/CP...
Bình luận 0

img

Cổ phiếu "vua tôm" đã mất gần 40% giá trị sau 1 tháng chào sàn UpCOM. (Ảnh: IT)

Cổ phiếu MPC của Tập đoàn Minh Phú được niêm yết trở lại trên sàn chứng khoán (sàn UpCOM) vào ngày 16.10 với giá chào sàn 79.000 đồng/CP. Ngay trong phiên niêm yết trở lại, cổ phiếu MPC đã tăng lên mức giá 110.000 đồng/CP (tăng 31.000 đồng/CP, +39,24%). Tuy nhiên, các phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu MPC liên tục giảm mạnh dù kết quả kinh doanh trong quý 3.2017 và lũy kế 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này cực kỳ khả quan.

Cụ thể, kết thúc quý 3.2017, doanh thu của MPC đạt 4.503 tỷ đồng, tăng gần 25% so cùng kỳ 2016. Mặc dù giá vốn chiếm 3.903 tỷ đồng, nhưng lãi gộp vẫn ở mức cao 582 tỷ đồng, gấp đôi mức 291 tỷ đồng của cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ suất lãi gộp biên cải thiện lên là 12,9% (cùng kỳ là 8,5%) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 270 tỷ đồng, gấp 6 lần mức hơn 41,4 tỷ đồng của cùng kỳ.

Đặc biệt, nếu so với thời điểm cổ phiếu MPC hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE vào năm 2015 (tháng 3.2015, giá cổ phiếu thời điểm đó là 112.000 đồng/CP), MPC có doanh thu quý 1.2015 đạt 2.185 tỷ đồng, lãi gộp đạt 224 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32,5 tỷ đồng thì giá trị nội tại của MPC tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, giá cổ phiếu MPC trên thị trường hiện tại lại không như kỳ vọng của giới đầu tư.

Mở đầu phiên giao dịch hôm nay 16.11 - đúng 1 tháng sau khi MPC niêm yết trở lại trên sàn UpCOM - giá cổ phiếu MPC chào sàn ở mức 68.800 đồng/CP, giảm gần 38% so với phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, trong suốt 1 tháng qua, tính thanh khoản của MPC cực kỳ kém khi lượng giao dịch cổ phiếu trên thị trường chỉ vài trăm đơn vị/phiên, thậm chí có rất nhiều phiên trắng giao dịch.

Về cơ cấu cổ đông hiện tại của MPC, chiếm tỷ lệ lớn nhất là bà Chu Thị Bình (vợ ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MPC) với hơn 17,4 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 24,96%; kế đến là ông Lê Văn Quang với gần 16 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 22,8%. Như vậy, chỉ riêng 2 vợ chồng ông Quang đã chiếm tỷ lệ gần 48% vốn MPC. Ngoài ra, con gái của vợ chồng ông Quang là bà Lê Thị Dịu Minh cũng nắm khoảng 3,1 triệu cổ phiếu MPC, tương đương tỷ lệ 4,51%. Như vậy, với thị giá hiện tại, số cổ phần của gia đình ông Quang tương đương với khối tài sản hơn 2.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại MPC hiện tại cũng có một số tổ chức đang là cổ đông lớn như: Earls Court Enterprises Limited (9,47% vốn), Quỹ Đầu tư Việt Nam (6,6% vốn), Công ty CP Đầu tư Long Phụng (5,84%)...

Được biết, đến hết quý 3.2017, tỷ lệ nợ vay của MPC ở mức xấp xỉ 70% tổng tài sản. So với năm 2016, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản của Minh Phú không thay đổi nhưng cơ cấu lại thay đổi khá lớn.

Cụ thể, phần nợ dài hạn (nợ trái phiếu) giảm gần 1.000 tỷ đồng trong khi khoản vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động lại tăng vọt từ con số hơn 1.000 tỷ đồng đầu năm lên 2.392 tỷ đồng cuối quý 3.

Theo giải trình từ phía MPC, khoản vay ngắn hạn phát sinh mới trong năm 2017 chủ yếu là vay VietinBank (chi nhánh Cà Mau) để bổ sung vốn lưu động, được đảm bảo bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, một số máy móc thiết bị, hàng tồn kho và các khoản phải thu tương ứng với tài sản hình thành từ vốn vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem