Giá vé máy bay vẫn cao ngất khi giá nhiên liệu giảm mạnh
Giảm giá "lòe" dân
Đến thời điểm này, với những chặng bay cao điểm thu hút đông đảo lượng khách di chuyển như TP.HCM – Hà Nội; TP.HCM – Đà Nẵng/Nha Trang…, mức giá vé máy bay Tết đang cao ngất ngưởng. Đơn cử, giá vé trên đường bay TP.HCM - Hà Nội dịp giáp tết ở mức từ 2,4 đến hơn 3 triệu đồng/lượt (giá vé này chưa bao gồm thuế, phí và tùy thuộc vào từng hãng). Các chặng như TP.HCM – Vinh/ Huế/ Thanh Hóa… tại nhiều đại lý và trên một số trang mạng đặt vé đều đã hết vé bay từ ngày 27 Tết.
Năm nay dịp cao điểm tết sẽ rơi vào khoảng ngày 26.1.2016 đến 17.2.2016. Nhiều người sẽ đặt vé máy bay trong dịp này nên giá vé được dự báo sẽ còn "đội" lên nữa và ngành hàng không sẽ còn thu “khủng” nữa từ việc bán vé máy bay.
Thực tế, suốt từ năm ngoái đến nay, giá nhiên liệu bay đã liên tiếp giảm mạnh. Thống kê giá bán tại khu vực châu Á (giá Platts) cho thấy giá trung bình loại nhiên liệu này trong tháng 12.2015 chỉ là 51,457 USD/thùng (chưa kể thuế, phí), giảm hơn 40% so với mức giá cùng thời điểm này năm trước (94,506 USD/thùng).
Chi phí nhiên liệu là yếu tố đầu vào rất lớn, chiếm trên 30% giá thành của các hãng hàng không, nên khi giá nhiên liệu giảm đương nhiên chi phí đầu vào và giá thành vận chuyển của các hãng hàng không cũng giảm theo.
Song cho đến thời điểm này, giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa gần như vẫn đứng yên và chưa có dấu hiệu giảm.
Các hãng hàng không đều viện ra nhiều lý do. Nào là do tính đặc thù của ngành hàng không là không phải chỉ có một mức giá cố định để giảm được mức giá đó xuống. Các hãng đều có nhiều “dãy” giá khác nhau để hành khách lựa chọn với nhiều loại vé giá rẻ...
Giá vé hàng không đúng là có rất nhiều loại (trung bình tới 12-15 loại vé) nên các hãng đều chủ động tính toán những phương án kinh doanh sao “có lợi” nhất cho mình và cũng đồng thời “né” một cách an toàn việc giảm giá vé cho dân.
Nếu các hãng có giảm giá vé thì cũng chỉ “lòe” bằng các hình thức: Tăng thêm lượng vé cho các dãy giá vé rẻ, tăng khuyến mãi, giảm giá ở vài chặng ngắn… Song nếu tổng hợp lại cả mười mấy loại giá vé máy bay bán ra hiện nay, các hãng hàng không đều có tổng doanh thu "khủng”, lãi là chắc. Điều này đã được ví chẳng khác gì cùng một mâm cỗ, chỉ cần thêm bát, thêm đũa và cuối cùng hành khách nọ bù cho hành khách kia, ở giữa mâm cỗ của các hãng hàng không vẫn lãi lớn.
Cơ quan quản lý bất lực hay yếu lực?
Minh chứng rõ nhất là nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không năm qua. Cụ thể, ông Phạm Viết Thanh-Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin với báo giới rằng, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines năm qua ước đạt hơn 69.300 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.400 tỷ đồng, tăng 194% so với năm 2014. Đây là các chỉ tiêu kinh doanh cao nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines kể từ khi thành lập cách đây 20 năm.
Với JPA (Jetstar Pacific Alirlines), tính đến đầu tháng 11.2015, doanh thu thuần của hãng này cũng đạt 3.410 tỷ đồng, vượt năm 2014 hơn 200 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng. Vietjet Air– đối thủ cạnh tranh chính của Vietnam Airlines tại thị trường hàng không nội địa cũng đã cán mốc 9 triệu lượt khách được chuyên chở trong năm 2015. Mặc dù chưa công bố nhưng hãng này dự báo cũng có số lãi không nhỏ bởi theo xác nhận của ngành thuế, Vietjet bắt đầu phát sinh lợi nhuận kể từ năm 2014, chỉ sau 3 năm hoạt động.
Đây là một mức lợi nhuận rất cao so với nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác. Kết quả này không thể phủ nhận là do giá xăng dầu liên tục giảm rất lớn. Rõ ràng, người dân đi máy bay đang chịu thiệt khi thị trường hàng không hưởng lợi nhờ giữ vị trí thống lĩnh thị trường - độc quyền nhóm. Mặc dù Nhà nước đã quy định giá trần để điều tiết sự thống lĩnh này song chính giá trần này cũng đang khuyến khích các hãng hàng không không giảm giá vé phù hợp cho dân. Mức giá trần hiện đang được đưa ra quá cao, các hãng cứ thả sức mà quyết giá vé ở khung cho phép mà vẫn không bị vi phạm và cứ thế thu lãi lớn, mặc cho người dân "ngất" với giá vé cao chót vót.
Tuy áp dụng nhiều mức giá vé từ thấp đến cao, nhưng hiện nay không có nhà bay nào có giá vé ở mức kịch giá trần mà giá vé tối đa cũng chỉ bằng 80% giá trần mà Cục Hàng không quy định. Từ đây cho thấy việc định giá trần vé máy quá bất hợp lý. Cơ quan chức năng cần xem xét lại vai trò và năng lực của mình trong việc xác định giá trần để tránh việc quy định giá thụ động, thiếu thực tế.
Người dân đều hiểu mục tiêu kinh doanh của các hãng hàng không là lợi nhuận. Lợi nhuận thu được phải thông qua giá, do vậy không bao giờ hãng muốn hạ và tự hạ giá. Nhà nước cần quy định giá trần thấp, sát và hơn phù hợp với chi phí đầu vào đã giảm của ngành hàng không. Bởi giá trần chưa được định lại phù hợp với sự giảm giá xăng dầu thì các hãng không bao giờ “lùi” giá vé.
Vừa qua Cục Hàng không Việt Nam có văn bản yêu cầu các hãng hàng không giảm vé máy bay cho hành khách, do giá nhiên liệu cho máy bay (Jet A1) liên tục giảm. Tuy nhiên, điều cốt lõi ở đây là cơ quan chức năng cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tính toán giá cước; tổ chức thẩm định phương án giá, khung giá, mức phụ thu nhiên liệu do doanh nghiệp lập một cách thuyết phục để xác định giá trần cho hợp lý, đây là căn cứ buộc doanh nghiệp phải giảm giá để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Đối với các hãng hàng không, cũng cần biết chia sẽ lợi ích với hành khách, khi yếu tố khách quan đầu vào giảm nhiều, lợi nhuận cao cũng nên giảm giá cước. Đúng như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng nói Vietnam Airlines lợi nhuận cao như thế thì giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.