Lại lo thiếu giáo viên khi vào năm học mới

Thứ sáu, ngày 01/09/2023 11:06 AM (GMT+7)
Vẫn là vấn đề từ nhiều năm trước, tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên bỏ nghề đang nổi cộm ở nhiều địa phương khi năm học mới bắt đầu.
Bình luận 0


Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn

Năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người (cấp mầm non 7.887; tiểu học tăng 169; THCS 1.207, THPT 2.045).

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền. Tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc… chậm được khắc phục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) nhận định: Một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thiếu giáo viên so với nhu cầu là số học sinh tăng cơ học ở tất cả các cấp. Cụ thể cấp mầm non tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (cần thêm 5.500 giáo viên). Cấp Tiểu học do tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng thêm 4,6% dẫn đến tăng thêm 10.811 lớp học 2 buổi/ngày và cần bổ sung khoảng 3.000 giáo viên. Cấp THPT tăng thêm 669 lớp so với năm học trước và cần thêm 1.500 giáo viên. Ngoài ra năm học 2022-2023 có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (10.094 nghỉ hưu, 9.295 nghỉ việc) cũng khiến cho tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn.

Bộ GD & ĐT cũng cho biết nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên vẫn trầm trọng là do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Sự chuyển dịch lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu bậc tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bổ sung thêm một số môn học bắt buộc.

Bộ GD & ĐT cũng cho rằng chưa có cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề khi lương giáo viên nhìn chung thấp, nhất là giáo viên mới được tuyển dụng. Việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương thực hiện cơ học chưa căn cứ vào tính chất đặc thù của ngành giáo dục cũng tác động làm gia tăng thêm tình trạng thiếu giáo viên.

Thiếu nhưng không tuyển được

Trong hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tổ chức mới đây, Bộ GD & ĐT chia sẻ thông tin có 14 tỉnh, thành ở miền Trung được giao tuyển hơn 6.500 giáo viên mới nhưng sau một năm chỉ tuyển được 4.530, đạt gần 70%.

Tình trạng này cũng xuất hiện ở nhiều địa phương. Trong số 27,850 chỉ tiêu giao cho năm học 2022-2023 (nằm trong số 65.980 chỉ tiêu được Bộ Chính trị giao cho ngành giáo dục), sau một năm mới chỉ tuyển được hơn một nửa.

Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Cơ quan chuyên môn là sở, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì về tuyển dụng nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Nhiều vướng mắc về quy định trong tuyển dụng giáo viên khiến cho quá trình này bị chậm trễ. Nhưng cũng có những nơi thiếu nguồn tuyển.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, cho biết địa phương được giao 2.500 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 1/4 vì thiếu nguồn tuyển. Theo Luật Giáo dục (có hiệu lực từ năm 2020), giáo viên tiểu học, THCS phải có bằng đại học trở lên, trong khi trước đó chỉ cần tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng. Ông Duy cho biết hiện Yên Bái có khoảng 200 cử nhân cao đẳng sư phạm nhưng vì vướng quy định nói trên nên không thể tuyển dụng được. "Chúng tôi đề xuất được tuyển dụng số cử nhân trên, họ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đi học theo kinh phí của tỉnh. Nếu không tuyển dụng được sẽ rất lãng phí. Nếu được tuyển, tỉnh sẽ tiếp tục chi ngân sách để đào tạo nâng chuẩn cho số cử nhân này", ông Duy nói.

Tương tự bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cũng cho biết tỉnh hiện còn thiếu hơn 800 giáo viên, nhiều nhất là mầm non. Bà Ngọc đề nghị Bộ ban hành cơ chế đặc thù cho giáo viên vùng xa (tiền lương, phụ cấp nghề, linh hoạt về quy định trình độ) Vì nếu không, sẽ rất khó thu hút.

Hà Lê (phunuvietnam.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem