Lại sạt lở lớn trên đèo Ô Quy Hồ, giao thông giữa Lai Châu và Lào Cai tiếp tục bị chia cắt
Lại sạt lở lớn trên đèo Ô Quy Hồ, giao thông giữa Lai Châu và Lào Cai tiếp tục bị chia cắt
Tuấn Hùng
Thứ hai, ngày 09/09/2024 09:32 AM (GMT+7)
Sau khi khắc phục xong các điểm sạt trên đèo Ô Quy Hồ và thông đường vào đêm qua, sáng nay (9/9) giao thông giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai lại tiếp tục bị chia cắt bởi 2 điểm sạt lở lớn cũng xảy ra tại khu vực này.
Đèo Ô Quy Hồ tiếp tục sạt lở, giao thông Lai Châu đi Lào Cai bị chia cắt
Như đã đưa tin, sau khi khắc phục xong các điểm sạt và thông đường vào đêm qua, sáng nay (9/9) giao thông giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai tiếp tục bị chia cắt bởi 2 điểm sạt lở lớn tại Km85+660 và Km75+80. Đặc biệt, điểm sạt tại km85+660 có chiều dài khoảng 60m, với khối lượng đất đá khoảng 4.500m3; gần khu du lịch Cầu Kính rồng mây và khu nương sản xuất của người dân nên công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng Cầu đường 3, đơn vị phụ trách công tác khắc phục sạt lở trên tuyến cho biết: Đầu giờ sáng nay, đơn vị đã tập kết máy móc, phương phương tiện để tập trung khắc phục. Tuy nhiên, do khu vực đổ thải ngang đang vướng vào khu đất của dân nên phương án đổ thải phải di chuyển gần 10km. Nếu thời tiết thuận lợi, cũng phải đến trưa nay mới có thể thông đường.
Đêm qua và rạng sáng nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu tiếp tục ghi nhận mưa trên diện rộng, với lượng mưa đo được trong 24 giờ qua (từ 5 giờ ngày 8/9 – 5 giờ ngày 9/9) đạt trên 100mm; cá biệt có nơi ghi nhận lượng mưa trên dưới 150mm như Phúc Than, Phu Nậm Sáp (Than Uyên); Sin Suối Hồ, Bản Lang (Phong Thổ); Trung Đồng, Pắc Ta (Tân Uyên)…
Theo dự báo, trong 6 giờ tới trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa, với lượng mưa tích lũy từ 10 – 30mm, có nơi trên 40mm, gây nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu.
Bản tin của Đài khí tượng thủy văn Lai Châu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.