Cuối tuần qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức áp biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, các kỳ hạn ngắn được ngân hàng này tăng khoảng 0,3%, trong đó kỳ hạn 3 tháng lên mức kịch trần 5,5% (trước đó tầm 5,2%), kỳ hạn 12-18 tháng từ 6,5% lên 6,8%. Riêng kỳ hạn 36 tháng đang là mức cao nhất tại ngân hàng này, lên 7,2%, tức tăng 0,4%.
Tương tự, VietinBank cũng mạnh tay điều chỉnh lãi suất tiền gửi, trong đó tăng mạnh nhất là lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng, từ 6% lên 6,8%. Một số các kỳ hạn khác có mức tăng 0,3% như kỳ hạn 3-6 tháng lên 5,5%, 6-9 tháng lên 5,8%. Ngoài ra, Vietcombank cũng tăng lãi suất huy động 0,2-0,5% đối với từng kỳ hạn.
Lãi suất tiếp tục nhích lên trong cuộc đua giữa các ngân hàng.
Trước đó khoảng một tháng, thị trường cũng đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng khối cổ phần. Như tại VPBank, lãi suất huy động niêm yết cao nhất lên 7,9% một năm, nhưng áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi từ 36 tháng. Tương tự, tại SeaBank, trên website của nhà băng này có niêm yết mức lãi suất tới 8% cho kỳ hạn 13 tháng nhưng kèm điều kiện là khách hàng thân quen nhiều năm và gửi số tiền vài trăm tỷ đồng trở lên...
Giới phân tích cho rằng mặt bằng lãi suất huy động vốn hiện tăng trung bình khoảng 0,2-0,5% so với trước Tết Nguyên đán. Điều này phản ánh nhu cầu vốn cho phát triển gia tăng và đây là một dấu hiệu tích cực.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được đặt ra là 18-20%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng trung bình trong những năm qua khoảng 10-15% một năm nên đòi hỏi các ngân hàng phải có nguồn vốn huy động dồi dào để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, theo ông Minh, một số ngân hàng gần đây có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất, một phần nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Thêm vào đó, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được Ngân hàng Nhà nước công bố để lấy ý kiến, các ngân hàng thương mại được phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như hiện nay.
"Do đó, có thể chính việc này cũng khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn để đáp ứng tỷ lệ 40%, và vẫn có thể tiếp tục cho vay trung và dài hạn", ông nói.
Trong khi đó, các chuyên gia thì lưu ý đến vấn đề thanh khoản của các ngân hàng. Tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, áp lực thanh khoản đang có hiện tượng tăng lên.
Theo ông Thúy, cần có những phân tích về việc mất cân đối giữa huy động vốn nội, ngoại tệ với cho vay hiện nay. Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cũng nêu lên những bất cập trong việc vốn cho vay trung và dài hạn tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác được các chuyên gia chỉ ra đó là việc một số ngân hàng hiện liên tục phải huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ và lãi dự thu không thu được. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng cần sớm có hình thức cảnh báo nguy cơ này dù ông thừa nhận việc "chỉ mặt điểm tên" từng ngân hàng có thể phải thận trọng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, có nhà băng lãi dự thu hàng nghìn tỷ đồng trong một kỳ là đáng báo động.
Dự báo về diễn biến lãi suất trong những tháng tới, các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng, nó sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và còn có xu hướng tăng nhẹ. Bởi nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng rất cao.
"Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán của chúng tôi, có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy không thể đơn giản nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường như năm ngoái được", ông Lê Đức Thúy nói.
Trao đổi với VnExpress gần đây, ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng nhiệm vụ giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay đã là "một thách thức lớn".
Lệ Chi (VNExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.