Làm bánh gật gù đặc sản Quảng Ninh, ông nông dân sử dụng công nghệ gì mà nhàn tênh?
Làm bánh gật gù đặc sản Quảng Ninh, ông nông dân sử dụng công nghệ gì mà nhàn tênh?
Bùi My
Thứ sáu, ngày 08/09/2023 14:12 PM (GMT+7)
Nhờ áp dụng công nghệ trong sản xuất, mỗi ngày gia đình ông Phạm Văn Cựa (phố Long Thành, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) làm 100kg bánh gật gù nhưng vẫn nhàn tênh.
CLIP: Quy trình làm bánh gật gù tại gia đình ông Phạm Văn Cựa (phố Long Thành, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Video: Bùi My
Bánh gật gù đặc sản Quảng Ninh
Bánh gật gù là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Thực chất, bánh gật gù là một loại bánh phở, nhưng bánh được cuộn tròn lại, không nhân và ăn với nước chấm đặc trưng. Khi cầm trên tay, miếng bánh gật lên gật xuống nên dần dần được người dân gọi là bánh gật gù.
Trước đây, bánh gật gù được người dân Tiên Yên thực hiện hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Tuy nhiên việc nghiền gạo bằng cối đá, tráng bánh bằng tay... tốn nhiều thời gian và công sức. Do vậy hiện nay, nhiều người đã áp dụng công nghệ vào quy trình làm bánh gật gù, giúp tiết kiệm sức người và năng suất tăng lên.
Gia đình ông Phạm Văn Cựa (65 tuổi, phố Long Thành, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong số ít những người làm bánh gật gù bằng hệ thống máy móc hiện đại.
Ông Cựa cho biết, trước đây gia đình ông làm đậu phụ suốt 20 năm. Nhờ làm đậu phụ mà ông nuôi 2 con ăn học thành tài, có công việc ổn định. Tuy nhiên, dần dần sức khỏe không còn cho phép, nên ông cũng thôi nghề làm đậu phụ.
"Ngày xưa đất Tiên Yên chỉ có vài quán làm bánh gật gù nhưng đều theo phương pháp truyền thống. Nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ bánh gật gù ngày càng cao, nên tôi cũng suy nghĩ tại sao mình không làm bánh gật gù. Bởi vậy sau khi nghỉ làm đậu phụ, tôi quyết định chuyển sang làm bánh gật gù" - ông Cựa kể.
Sức khỏe không còn tốt, lại nhớ đến câu nói "Bố phải làm chủ được công nghệ thì mọi thứ đều dễ dàng" của con gái, vậy là ông Cựa đầu tư khoảng 100 triệu đồng để mua máy móc hiện đại làm bánh gật gù.
Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất bánh gật gù
Chia sẻ về quy trình làm bánh gật gù, ông Cựa cho biết, để có mẻ bánh gật gù ngon, gạo phải được đãi sạch cho đến khi nước vo trong rồi tiếp tục ngâm qua một đêm ở nhiệt độ thường. Vào mùa đông cần ngâm gạo lâu hơn, còn vào mùa hè thì thời gian ngâm gạo ngắn hơn.
Nếu thời gian ngâm quá ngắn, gạo không đạt độ nở tốt, còn nếu ngâm quá lâu sẽ làm gạo bị chua. Khi ngâm đủ giờ, hạt gạo no căng sẽ được cho vào máy xay mịn thành bột nước.
Sau đó, nhờ có hệ thống dây chuyền làm bánh tự động, nên việc tráng bánh rất đơn giản. Sau khi lấy bánh ra, bánh phở được cuộn tròn thành từng cuộn bánh nhỏ, dài khoảng 15-20cm.
Ông Cựa cho hay, nhờ áp dụng công nghệ, mỗi ngày gia đình ông làm được khoảng 1 tạ bánh gật gù. Đặc biệt những dịp lễ tết hay hội chợ OCOP, gia đình ông có khi làm đến 5 tạ bánh gật gù/ngày.
"Khi áp dụng máy móc vào làm bánh, chất lượng bánh gật gù cũng không khác so với bánh làm bằng phương pháp thủ công là bao. Nếu làm bánh gật gù theo phương pháp thủ công thì không làm được nhiều thế đâu, mỗi ngày chỉ khoảng 50kg bánh thôi. Mọi công đoạn làm bánh gật gù đều được thực hiện bằng máy nên tiết kiệm được khá nhiều công sức, nâng cao hiệu suất, sản lượng. Bánh cũng chín đều, không bị rách miếng" - ông Cựa bảo.
Vừa cùng mọi người cuộn tròn từng lá bánh, ông Cựa vừa bảo, trước làm đậu phụ, gia đình phải dậy từ sáng sớm, đến 12 giờ trưa mới được nghỉ. Còn hiện giờ làm bánh gật gù, hai vợ chồng ông không cần dậy quá sớm như trước, nhưng chỉ đến 6 giờ sáng đã xong rồi rao bánh cho các mối hàng.
"Ngày thường hai vợ chồng tôi làm một mẻ bánh gật gù mất khoảng 40 phút, thêm khoảng 1 tiếng cuộn bánh là xong. Những ngày cuối tuần thế này có người thân phụ giúp lại càng nhàn" - ông Cựa chia sẻ.
Hiện nay, bánh gật gù được ông Cựa bán buôn với giá 18.000 đồng/kg. Bánh được mang đi tiêu thụ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như Đông Triều, Cẩm Phả, Móng Cái, Ba Chẽ, Hạ Long... Nhờ làm bánh gật gù, gia đình ông kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Yên Hà Thị Thu nhận xét, từ ngày có chương trình OCOP, ngày càng nhiều người biết tới đặc sản bánh gật gù Tiên Yên của Quảng Ninh. Mặc dù hình thức bánh gật gù đơn giản, nhưng đem chấm với nước mắm chưng có vị béo ngậy của mỡ gà cùng thịt, hành phi, ớt, sẽ khiến thực khách ăn lần một muốn thưởng thức lần hai.
Ông Phạm Văn Cựa là một trong những hộ gia đình áp dụng chuyển đổi số để tự động hóa trong làm bánh gật gù. Từ đó đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động, tăng thu nhập.
Bên cạnh là tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu, ông Phạm Văn Cựa còn nhiều năm làm Trưởng khu kiêm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, giúp nhiều hộ vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.