Làm bóng đá để làm... tổng thống

Chủ nhật, ngày 16/06/2013 11:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Tại Indonesia, mượn bóng đá để gây uy tín chính trị và kiếm tiền là một biện pháp “truyền thống” của các đảng phái. Họ làm điều đó như thế nào?
Bình luận 0

Bóng đá Indonesia có hai fan VIP quyền lực nhất: Tổng thống (TT) Susilo Bambang Yudhoyono (gọi tắt SBY) và ứng cử viên đầy tham vọng, doanh nhân Aburizal Bakrie. Đảng của hai ông từ lâu giành quyền kiểm soát môn thể thao này cùng lượng khán giả khổng lồ, với hy vọng đó sẽ là yếu tố giúp họ chiến thắng trong hai cuộc bầu cử TT và quốc hội vào năm 2014.

img
Doanh nhân Aburizal Bakrie nuôi tham vọng làm TT Indonesia

Mối lợi từ bóng đá

Bakrie - thủ lĩnh đảng Golkar tuyên bố sẽ tranh cử TT, nhưng Đảng Dân chủ đương quyền lại chưa cử ai thừa nhiệm SBY. Nhiều ứng cử viên khác cũng tham vọng làm TT và thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy 2 ứng cử viên hàng đầu là Joko Widodo, đô trưởng Jakarta và cựu tướng Prabowo Subianto.

Bakrie có kênh truyền hình riêng để tường thuật trực tiếp các trận đấu và quảng bá cho tham vọng làm TT của ông. Ông đang phải vất vả kiểm soát Liên đoàn Bóng đá quốc gia thống nhất (PSSI) và liên đoàn này phụ trách mảng tiếp thị tại các sân và bản quyền truyền hình. Một quan chức PSSI nói: “Nếu kiểm soát được bóng đá, bạn đã đi được nửa đường để kiểm soát Indonesia. Không đảng nào tranh cử có thể thu hút được đám đông cuồng nhiệt khổng lồ cho bằng bóng đá. Nên chẳng ngạc nhiên khi các chính khách sẵn sàng làm tất cả để nắm được môn này”.

Vì đó sẽ là một lợi thế ở đất nước 240 triệu dân, nơi bóng đá rất phổ biến dù Indonesia chỉ được FIFA xếp hạng 170/209. Những trận đấu vào cuối tuần thu hút 52 triệu khán giả xem truyền hình, trong khi mỗi năm có 12 triệu lượt khán giả vào sân, theo Widjajanto - Tổng giám đốc Công ty PT Liga Prima Indonesia Sportindo, đơn vị điều hành giải vô địch nhà nghề Indonesia Premier League.

Số lượng cử tri từ fan bóng đá không là phần thưởng duy nhất cho các chính khách. Họ còn có “cửa” làm ăn nếu bóng đá đi đúng hướng. Bản quyền truyền hình giải “ly khai” Indonesia Super League chỉ có giá bán 1,3 tỷ rupiah (133,5 triệu USD) trong 10 năm kể từ năm 2011. Widjajanto cho rằng một khi có giải thống nhất, bản quyền truyền hình và quảng cáo sẽ có giá trị ít nhất 360 triệu USD/năm.

Giáo sư đại học Tjipta Lesmana từng là thành viên PSSI, nói: “Rõ ràng đó là một cuộc chiến giành quyền kiểm soát PSSI giữa hai đảng Dân chủ và Golkar trong năm bầu cử 2014. Liên đoàn đã và đang được sử dụng vì mục đích chính trị, lãnh đạo hai đảng đều biết bóng đá có tầm ảnh hưởng giúp họ thu hút sự ủng hộ”.

“Tây” phải đi ăn xin?

img

Trước khi Indonesia có nền dân chủ cách đây 14 năm, bóng đá nước này chịu sự quản lý chặt chẽ của chế độ độc tài suốt 30 năm của cố TT Suharto. Sau khi ông bị lật đổ hồi năm 1998, khâu quản lý bóng đá trở nên yếu kém. Bước vào giai đoạn chính trị mới, các doanh nhân bắt đầu giành nắm quyền lực, như Tập đoàn Bakrie do doanh nhân Achmad Bakrie lập. Con trai ông này là Nirwan trở thành phó chủ tịch PSSI hồi năm 2003, và Nirwan là anh của ứng cử viên TT Aburizal Bakrie.

Đến năm 2010, chính phủ can thiệp và cuộc chiến giành thế thượng phong bắt đầu. SBY tái đắc cử nhiệm kỳ 2 năm 2009, đã cử Bộ trưởng Thể thao giành quyền kiểm soát PSSI, mà kết quả là Nirwan và chủ tịch PSSI bị “đá” khỏi vai trò lãnh đạo LĐ năm 2011. Người ủng hộ Bakrie bèn lập LĐ ly khai cùng giải “ly khai” Indonesia Super League.

Vụ đấu đá này khiến các nhà tài trợ rút lui, tác động xấu đến quỹ hoạt động của các CLB. Chính phủ cũng ngưng tài trợ các khoản mà một số CLB được hưởng từng năm, khiến nhiều đội bóng bị giải tán. Cuối năm ngoái, bóng đá Indonesia “tụt thủng đáy” khi một “anh Tây” người Paraguay qua đời do bị chậm lương quá lâu nên không thể mua thuốc. Giới truyền thông còn đưa tin một số cầu thủ “ngoại” phải ra đường ăn xin vì các “lê dương” này không được thanh toán tiền lương.

Năm nay, SBY cử Roy Suryo của Đảng Dân chủ giải quyết vụ đấu đá. Ông nói: “Chính phủ đẩy tôi vào hang cọp”. Ông triệu tập cuộc họp có cả hai phe tham dự, bên ngoài chỗ họp có hàng chục cảnh sát sẵn sàng can thiệp “những cái đầu nóng”. Kết quả đã đạt được một thỏa thuận, bóng đá Indonesia nằm dưới sự điều hành của chỉ một LĐ và hứa hẹn sẽ chỉ có mỗi một giải vô địch quốc gia từ năm 2014, Indonesia Premier League sẽ sáp nhập với giải “ly khai”Indonesia Super League.

Dù vậy, kết quả này xem ra nghiêng về cánh Bakrie: Djohar Arifin Husin được bầu là chủ tịch PSSI trong khi 6 thành viên ban chấp hành (do SBY cử) tẩy chay. Lúc đó, Husin nói với Hãng tin Reuters, rằng thỏa thuận là bước phát triển lớn vì tương lai bóng đá Indonesia. Nirwan dù không còn có chân trong PSSI nhưng vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng.

Ông bác bỏ các ý kiến nói cuộc chiến giành quyền kiểm soát PSSI chỉ nhằm mục tiêu chính trị và tiền tài, nói đó chỉ là cuộc tranh cãi của những người hâm mộ bóng đá nhưng khác ý tưởng về cách điều hành. Ông nói: “Nếu bạn phải lòng một em gái, bạn trao trọn tình yêu, nhưng nếu bạn phải lòng bóng đá, bạn sẽ trao trọn con tim và linh hồn”.

“Tai tiếng thịt bò”

Nói thế thôi, làm chính trị và tranh cử thì phải tốn rất nhiều tiền ở “xứ vạn đảo” Indonesia: ứng cử viên phải có nhiều tiền để mua vé máy bay đi tranh cử, lập văn phòng tranh cử ở từng địa phương, chưa nói chuyện cấp cơm hộp và áo thung cho đám đông tham dự các sự kiện tranh cử.

Nhưng các nhà phân tích nói luật tài chính tranh cử Indonesia chưa bám kịp thực tế, hậu quả là các đảng phái tăng cường tài trợ cho các sự kiện theo cùng cung cách “tham nhũng chính thức” của thời Suharto. Chủ tịch T. Mulya Lubis của tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ở Indonesia nói: “Chẳng còn gì bí mật, người dân đều biết đó là cách tham nhũng lớn nhất hiện nay”.

Diễn biến mới nhất trong hàng loạt tai tiếng chính trường Indonesia là Đảng Công lý thịnh vượng (P.K.S, có nền tảng Hồi giáo) vốn là đảng lớn hàng thứ tư ở hạ viện và là một phần trong liên minh cầm quyền của SBY. Hồi đầu năm nay, chủ tịch P.K.S đã bị bắt vì bị tố cáo “ăn hối lộ” đổi lấy việc “tặng thêm” quota cho một công ty nhập khẩu thịt bò.

Vài tháng qua, một số lãnh đạo khác của đảng này bị cáo buộc dính líu vụ này, như tổ chức chi hơn 1 triệu USD để vận động tranh cử ở quốc hội trong năm 2014. Trong số này có Bộ trưởng Nông nghiệp Suswono, vì Bộ của ông có quyền cấp hạn ngạch (quota) cho các công ty nhập khẩu thịt bò. Ông đã bị Ủy ban độc lập bài trừ tham nhũng (CEC) thẩm vấn.

Bên cạnh đó, một nghi can nhận hối lộ khai P.K.S toan lợi dụng quyền kiểm soát các Bộ Nông nghiệp, Công nghệ viễn thông-thông tin và xã hội để gây quỹ tranh cử 2 ngàn tỷ rupiah (204 triệu USD). P.K.S cùng các đảng khác đều phủ nhận các cáo buộc này.

Tai tiếng “thịt bò” đã dẫn đến những yêu sách chính phủ SBY và quốc hội cần có những quy định rõ ràng về quỹ tranh cử trước năm bầu cử 2014. Các ý tưởng được đề xuất gồm các đảng phải công bố khoản chi và nguồn thu nhập, hạn chế chi tranh cử, lập một cơ quan mới hoặc tái lập Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) để giám sát, và truy tố các đảng viên nào vi phạm.

Tổ chức phi chính phủ “Hiệp hội vì các cuộc bầu cử và dân chủ” nói luật Indonesia quy định các đảng phải công khai những khoản tiền tặng, thu nhập và khoản chi… trong chỉ một báo cáo do người của đảng ấy thảo, thay vì công khai tài khoản ngân hàng của đảng ấy. Hậu quả: các đảng vẫn “thoải mái” giấu những khoản tiền tặng trái phép, nguồn thu-chi… Tổ chức trên nói: “Chúng tôi có bầu cử công bằng và tự do ở Indonesia, nhưng không có cạnh tranh tự do và công bằng. Các ứng cử viên vẫn dùng tiền để đi tắt đến các cuộc thắng cử”.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích đều dự báo sẽ còn những vụ lem nhem tài chính trước thềm năm bầu cử 2014. Họ nói vấn đề là nếu không có một cơ chế tài trợ tốt cho các đảng, thì các đảng này sẽ chỉ tập trung kiếm tiền thay vì lo chuyện đòi hỏi quyền lợi cho cử tri.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem