"Làm đại biểu Quốc hội đừng vì sự nổi tiếng của bản thân"

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 21/11/2016 06:15 AM (GMT+7)
“Tôi hiểu rõ khi là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần phải làm gì có lợi cho người dân, chứ không phải làm vì sự nổi tiếng của bản thân. Tôi luôn tâm niệm sự đóng góp của mình giống con chim chọn hạt thôi, nay nhặt một hạt, mai nhặt một hạt”...
Bình luận 0

img

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Trên là chia sẻ của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với PV NTNN trước thời điểm bế mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (ngày 23.11 tới đây).

Sau những phát biểu của mình tôi không thấy bị ai dị nghị, cũng có không ít ĐB nói với tôi là phát biểu đó có nét độc đáo, mạnh dạn và có trách nhiệm. Lời động viên đó khiến tôi hiểu cần là cần tiếp tục phát huy hơn nữa để giúp cho công việc ĐB ngày một tốt hơn”.

 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Thưa ông, có người nói kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIV chủ yếu dành thời gian làm công tác nhân sự. Tới kỳ họp thứ 2, hoạt động của Quốc hội mới bộc lộ rõ nét. Là ĐBQH mới, ông đánh giá thế nào về kỳ họp này?

- Có thể nói ấn tượng đầu tiên đối với tôi là không khí dân chủ và luồng sinh khí mạnh mẽ của Quốc hội. Quốc hội đi vào đúng mạch, đúng với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất nhà nước. Toàn bộ chương trình làm việc cho đến nội dung làm việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn được điều chỉnh một cách hợp lý theo đúng nguyện vọng của các vị ĐBQH. Ví dụ như có những dự án luật dự kiến được thông qua nhưng đã được lùi để kỳ họp sau. Có thể nói, các vị ĐBQH đã tham gia một cách rất trách nhiệm, tâm huyết trong thảo luận và quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đoàn Chủ tịch, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội điều khiển các phiên họp đúng nguyên tắc nhưng vẫn rất linh hoạt, điều quan trọng là đảm bảo được tính dân chủ trong hoạt động nghị trường. Ví dụ có lần ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đang phát biểu thì hết giờ, ông xin dừng lại. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành hôm đó đã nói, đây là ý kiến hay mời ĐB tiếp tục.

Có thể nói điều ấn tượng nhất với tôi trong kỳ họp này chính là từ không khí của Quốc hội cho thấy Quốc hội đã xác định và thể hiện rõ trách nhiệm đồng hành cùng với Chính phủ và các cơ quan khác để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, tháo gỡ những khó khăn, rào cản. Quốc hội cũng đã chia sẻ khó khăn với nhân dân, cùng nhân dân phấn đấu đưa đất nước đi lên.

Quốc hội khóa XIV có đến 2/3 là đại biểu mới, nhưng tại các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, số lượng người đăng ký phát biểu rất đông. Đây phải chăng là tín hiệu cho thấy hoạt động Quốc hội ngày càng sôi động hơn thưa ông?

- Có thể nói mặc dù Quốc hội với đa số là đại biểu mới, nhưng không có nghĩa là kém mà vấn đề quan trọng là họ phát huy được sở trường của mình. Tôi đánh giá cao sự nhập cuộc của những ĐB mới. Qua lắng nghe tôi thấy có nhiều phát biểu thảo luận rất sắc sảo, có nhiều người đặt câu hỏi chất vấn rất hay, vừa đúng, vừa trúng nguyện vọng của cử tri.

Có thể có những ĐB còn né tránh, nhưng thấy đa phần các ĐB bắt đầu muốn thể hiện rất rõ trách nhiệm của mình với cử tri và Nhân dân. Đấy cũng là thông điệp để phản hồi với cử tri rằng họ đã lựa chọn đúng người đại diện của mình.

Một trong những đổi mới rất rõ trong kỳ họp này là ĐBQH giơ biển xin tranh luận với vấn đề được nêu ra, ông đánh giá thế nào về sự đổi mới này?

- Sự đổi mới này theo tôi bắt nguồn từ mong mỏi của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi điều hành phiên họp từ Chủ tịch Quốc hội đến các Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công đã rất khéo léo để phát huy tính dân chủ, trách nhiệm, sự tâm huyết của ĐBQH. Sự điều hành linh hoạt này đã tạo điều kiện cho các ĐB bày tỏ chính kiến. Việc tranh luận làm cho vấn đề sáng tỏ hơn, thông suốt hơn.

Qua theo dõi tất cả các ĐB đã tranh luận, tôi thấy rõ được tinh thần trách nhiệm của họ. Tất cả những tranh luận đều vì trách nhiệm, vì những vấn đề chung của đất nước chứ không mang tính cá nhân trong đó. Có thể nói đây là bước khởi đầu rất quan trọng để đổi mới hoạt động của Quốc hội từ tham luận sang tranh luận.

Nếu cách làm này tiếp tục được phát huy, tôi nghĩ Quốc hội khóa XIV sẽ có những đóng góp xứng đáng trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, cũng như quyết định đúng những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Mặc dù là ĐB mới nhưng ông đã có nhiều phát biểu mạnh mẽ, gây ấn tượng như “Tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của luật pháp”, hay như “Bộ trưởng có dám hứa từ chức nếu xảy ra hệ lụy?”... Có người ví ông như ngôi sao nghị trường mới nổi, ông cảm giác thế nào?

- Tôi tham gia ĐBQH lần đầu, nhưng bản thân đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, như hơn 20 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội, rồi làm tham mưu cho Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư (Vụ trưởng, Trưởng ban kiêm Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư) nên hiểu rõ khi là ĐBQH cần phải làm gì có lợi cho người dân, chứ không phải làm vì sự nổi tiếng cho bản thân. Tôi luôn tâm niệm sự đóng góp của mình giống con chim chọn hạt thôi, nay nhặt một hạt, mai nhặt một hạt.

Tất cả những gì tôi đã phát biểu, góp ý tại Quốc hội là muốn tìm ra một nét mới, đưa sinh khí mới vào hoạt động nghị trường. Tôi cũng rất mong tất cả các ĐBQH, bằng trách nhiệm của mình phải tìm ra hướng đi mới, ý kiến góp ý phải xác đáng và điều quan trọng là không làm mất thời gian. Tôi không thích kiểu phát biểu lòng vòng, cần phải đi thẳng vào vấn đề. Cần phải nói thêm, tôi không muốn phát biểu gây sốc, không muốn trở thành ngôi sao. Tất cả những gì thể hiện trong hoạt động Quốc hội vừa qua là tính cách của con người tôi từ trước tới nay.

Xin cảm ơn ông.

img

ĐB Nguyễn Thái Học (trái) và ĐB Dương Trung Quốc (phải) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: I.T

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

Bộ trưởng có dám hứa sẽ từ chức nếu xảy ra hệ lụy?


"Hôm nay tôi muốn hỏi Bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này, nhưng nếu được phép tôi hỏi Bộ trưởng là nếu sau này có hệ lụy Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết lạc quan trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội không?”.

(Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 15.11)

ĐB Lê Thanh Văn (Cà Mau): 

Giáo viên sẽ đau lòng với câu nói của Bộ trưởng


"Bộ trưởng nói là bảo vệ quyền lợi giáo viên, nhưng ngược lại với phát ngôn của Bộ trưởng hôm qua trên báo chí là trước hết phải xem lại mấy cô giáo đó. Tôi nghĩ rằng giáo viên chắc chắn đau lòng với câu nói đó của Bộ trưởng”.

(Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày 16.11)

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): 

Có hay không lợi ích nhóm trong dự án thép Cà Ná?

"Dù chỉ là bổ sung quy hoạch nhưng dự án đã đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là không đánh đổi môi trường? Vậy có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án?” 

(Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 15.11)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem