Lâm Đồng: Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến thiếu hàng triệu mét khối đất san lấp

Văn Long Thứ sáu, ngày 13/05/2022 19:17 PM (GMT+7)
Qua khảo sát, tính toán, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng xác định cần tới hàng triệu mét khối đất san lấp, đá xây dựng và cát để thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.
Bình luận 0

Ngày 13/5, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, qua rà soát, tính toán và làm việc với các đơn vị liên quan, Sở này đã dự kiến được khối lượng vật liệu xây dựng cần để đảm bảo xây dựng cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, qua làm việc với đại diện liên danh nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Trang thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng để thi công tuyến cao tốc này là hơn 8 triệu m3 đất đắp K95 và K98, hơn 1,6 triệu m3 đá các loại, hơn 50.000m3 cát xây dựng.

Lâm Đồng: Lo ngại thiếu vật liệu xây dựng khi thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương - Ảnh 1.

Theo tính toán, khối lượng đất san lấp khi thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ thiếu hơn 2 triệu m3. Ảnh minh họa.

Sau khi cân đối giữa trữ lượng cấp phép khai thác khoáng sản tại huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP.Bảo Lộc thì khối lượng đá và cát xây dựng tại địa phương cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, khối lượng đất san lấp chưa đảm bảo và cần thêm hơn 2 triệu m3.

Theo đề xuất của liên danh nhà đầu tư, nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương sử dụng từ các mỏ được cấp phép xung quanh dự án, phát sinh trong quá trình thi công, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, liên danh nhà đầu tư còn đề xuất bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tại 9 vị trí trên địa bàn các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng với diện tích 56,7ha đá xây dựng và hơn 27ha đất san lấp.

Lâm Đồng: Lo ngại thiếu vật liệu xây dựng khi thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương - Ảnh 2.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương - Prenn hiện hữu.

Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh vận dụng các quy định của pháp luật để đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác khoáng sản/năm của các doanh nghiệp để cung cấp đủ và kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ thi công dự án.

Đồng thời, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác được phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh hoặc đánh giá tác động môi trường. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án cao tốc thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất đã được cấp phép.

Lâm Đồng: Lo ngại thiếu vật liệu xây dựng khi thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương - Ảnh 3.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành sử dụng flycam để xác định hiện trạng rừng, đất đai, công trình cạnh tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo ưu tiên sử dụng nguồn vật liệu xây dựng các mỏ hiện có tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Tọng và TP.Bảo Lộc. Trước mắt, tập trung cung cấp nguồn vật liệu cho dự án xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Đối với những cơ chế đặc thù trên chỉ áp dụng riêng cho dự án xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương trong thời gian từ ngày khởi công đến khi kết thúc dự án bàn giao và đưa vào hoạt động.

Đến nay, dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai theo hình thức đối tác công tư. HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông qua phương án đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư tại nghị quyết số 65 ngày 3/3/2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem