Khi nấm “lọt” vào danh sách “sản phẩm quốc gia” giai đoạn 2012-2020 để đầu tư thì có thể xem đây là cơ hội tốt để Lâm Đồng phát triển mạnh nghề này.
|
Nấm mỡ được trồng tại Đà Lạt. Ảnh: Báo Lâm Đồng |
Hiện Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng đang triển khai đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất meo giống nấm” cho Công ty TNHH Ngọc Yến Minh (huyện Đơn Dương). Ngoài việc đào tạo 4 kỹ thuật viên và hoàn thiện quy trình sản xuất meo giống nấm cho công ty, Trung tâm cũng đã tuyển chọn và thu thập nhiều giống nấm ăn và giống nấm dược liệu cho đơn vị này.
Theo ghi nhận của UBND huyện Đơn Dương thì việc triển khai dự án đã mang lại những kết quả tốt, đáng kể là đã tuyển chọn được nhiều giống nấm cho huyện như nấm bào ngư, nấm hương, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm mỡ… (giống nấm ăn); nấm linh chi, nấm hầu thủ… (nấm dược liệu) để từ đó mở rộng nghề trồng nấm cho Đơn Dương và các địa phương khác ở Lâm Đồng.
Hiện tại, Đơn Dương và Đức Trọng là hai huyện có nghề trồng nấm phát triển mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, trong tương lai gần, nghề trồng nấm sẽ phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong cả tỉnh, kể cả các huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Bởi lẽ, hiện nay nấm là hàng hóa được giá nên mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà nông và đang có sức hấp dẫn nông dân khá lớn.
Theo tính toán của nhà nông: Trồng nấm bào ngư với chu kỳ 6 tháng, cứ 10.000 phôi trên diện tích trung bình khoảng 120m2 thì nhà nông đạt doanh thu trung bình khoảng 70 triệu đồng; trừ vốn đầu tư 45 triệu đồng, còn lãi ròng 25 triệu. Còn nếu trồng nấm rơm thì từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ có 45 ngày nhưng trung bình mỗi ha cho tổng doanh thu đến 300 triệu đồng; trừ chi phí, nông dân lãi ít nhất cũng 180 triệu đồng.
Võ Khắc Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.