Lâm Đồng: Sản xuất rau thủy canh đạt hơn 8 tỷ đồng/ha/năm

Phong Lâm Thứ năm, ngày 26/09/2019 12:14 PM (GMT+7)
Đó là con số mà ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết khi nói về tình hình sản xuất rau thủy canh theo hướng công nghệ cao tại địa phương tại hội nghị “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”.
Bình luận 0

Sáng ngày 26/9, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị kết nối với chủ đề: “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nghị cũng có những chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam.

img

Ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Lang Biang giới thiệu công nghệ tưới thông minh của mình. Ảnh: Văn Long.

Ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, Lâm Đồng là một địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp thông minh, vì vậy, hội nghị được tổ chức ở Lâm Đồng là rất hợp lý. Để thúc đẩy, phát triển những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, nâng cao hiệu suất lao động, giải quyết được bài toán đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì vai trò của các doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam là hết sức quan trọng.

Trong khi đó, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng có trên 56.000 ha, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha. Trong đó, mô hình sản xuất rau cao cấp đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng, hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng…

“Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin (chiếm khoảng 20% diện tích đất canh tác) của tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Đa số diện tích ứng dụng công nghệ thông tin tập trung tại một số vùng chuyên canh về rau, hoa, còn các cây trồng khác tại các địa phương còn khiêm tốn. Tỷ lệ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất còn quá ít so với số hộ sản xuất nông nghiệp”, ông Vinh nhận định.

img

Người dân Đà Lạt vận hành hệ thống tưới phun sương thông qua smartphone. Ảnh: Văn Long.

Ngoài ra, theo ông Vinh, rào cản lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện đại quy mô lớn hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì thế, việc áp dụng các công nghệ tự động hóa đã giảm bớt áp lực về nguồn nhân lực, cũng như tiến tới hội nhập với nền nông nghiệp hiện đại của khu vực cũng như thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, cần định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó đánh giá một số thuận lợi, khó khăn trong phát triển doanh nghiệp công nghệ tại địa phương, từ đó đề xuất kế hoạch – hoạt động cụ thể để thúc đẩy các đơn vị này phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem