Lâm Đồng sắp có huyện thứ 2 cán đích nông thôn mới

Văn Long Thứ ba, ngày 05/02/2019 19:25 PM (GMT+7)
Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân các dân tộc trên địa bàn thì huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đang chờ đợi từng ngày để trở thành huyện nông thôn mới (NTM) thứ hai của tỉnh Lâm Đồng sau huyện Đơn Dương.
Bình luận 0

14/14 xã đạt chuẩn

Đức Trọng là huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam cách Thành phố Đà Lạt 30km, có điều kiện hạ tầng kết nối thuận lợi với quốc lộ 27, 20, 28B, sân bay quốc tế Liên Khương… nằm trên trục giao lưu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Duyên hải Nam Trung bộ…Chính vì vậy, huyện đã có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện xây dựng NTM.

Trò truyện với PV Báo Nông thôn Ngày nay, ông Võ Văn Phương – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng vui mừng cho biết: “Trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có sự tham gia tích cực của mặt trận và các đoàn thể, sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn và sự chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở các xã đã tạo ra được phong trào phát triển toàn diện trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, cho đến nay, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM và đang dần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn tại địa phương”.

img

Đức Trọng có những lợi thế và điều kiện để xây dựng NTM phát triển kinh tế - xã hội.

Đức Trọng là huyện có 15 đơn vị hành chính, gồm 14 xã và 1 thị trấn, trong đó  có 1 xã và 2 thôn đặc biệt khó khăn, có 10 xã và 1 thị trấn nằm dọc theo Quốc lộ 20, 27 và Quốc lộ 28B. Toàn huyện có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó đồng bào dân tộc tại chỗ chủ yếu là Chu Ru và Cơ Ho chiếm gần 20% dân số toàn huyện, tạo nên nét đa dạng về sắc thái văn hóa đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các lễ hội…

Vì vậy, các cấp chính quyền tại địa phương đã xác định từ những ngày đầu triển khai xây dựng NTM là làm sao nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân. Làm sao cho nhận thức của cán bộ, người dân rằng xây dựng NTM vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ và gắn với quyền lợi của mình để chương trình được thành công.

img

Đến nay, toàn huyện Đức Trọng đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM.

Với mục tiêu trở thành huyện NTM thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2011 – 2016, các đơn vị tại địa phương đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành tiêu chí huyện NTM và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Đức Trọng đã rà soát và đối chiếu với các tiêu chí quy định tại quyết định này thì đến năm 2016 huyện Đức Trọng mới có 12/14 xã đạt chuẩn NTM, còn 02 xã chưa đạt chuẩn là Tà Năng và Đa Quyn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tiêu chí huyện NTM chưa đạt chuẩn, vì vậy Ban chỉ đạo NTM huyện xác định lại lộ trình và đăng ký xây dựng huyện Đức Trọng đạt chuẩn NTM vào năm 2018.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Là một huyện nằm cạnh một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước là Đà Lạt, vì vậy Đức Trọng cũng có những lợi thế nhất định để xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp.

Ông Võ Văn Phương cho biết, đến năm 2017, giá trị sản lượng ngành nông nghiệp đạt 8.667 tỷ đồng (trong đó trồng trọt chiếm 88% và chăn nuôi chiếm 12%), tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 6 - 7%/năm.

Cho đến nay, toàn huyện có diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là 7.366ha. Năm 2017 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 215 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, cá biệt có mô hình sản xuất hoa trong nhà kính đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

img

Nhiều mô hình kinh tế tại Đức Trọng đã có doanh thu cao, cá biệt có mô hình sản xuất hoa trong nhà kính đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

“Trong những năm qua, việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu rau, hoa Đà Lạt được triển khai nhân rộng, đến nay toàn huyện đã có 152 ha rau hoa được công nhận nhãn hiệu rau Đà Lạt. Tổng diện tích rau sản xuất theo hướng VietGap đến nay là 435 ha”, ông Phương cho hay.

Chính vì đã phát huy được lợi thế, tiềm năng của huyện mà đời sống của người dân không ngừng tăng lên. Năm 2010 GRDP bình quân toàn huyện chỉ đạt 25 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng đến cuối năm 2017, GRDP bình quân đầu người đã đạt 67 triệu đồng/người/năm.

Là một huyện có chiều dài nằm dọc theo tuyến quốc lộ 20, vì vậy tiêu chí giao thông cũng được các cấp huyện đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng NTM. Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đến nay toàn huyện đã triển khai làm các tuyến đường giao thông với chiều dài tổng cộng là 242,886 km. Trong đó đường trục xã, liên xã là 19 km, đường trục thôn, xóm là 143,769 km, đường ngõ xóm là 63,914 km, đường trục nội đồng là 16,203 km.

Chính vì những nỗ lực không ngừng đó, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông, xứng đáng trở thành huyện NTM thứ hai của tỉnh Lâm Đồng.

img

Tiêu chí giao thông tại địa phương được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.

Để đạt được kết quả trên huyện đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển mọi lĩnh vực, đặc biệt khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế từ đó nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Đình Khoát – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng (Sở NNPTNT) cho biết: Đến nay, 14/14 xã của huyện Đức Trọng đã đạt đầy đủ các tiêu chí công nhận NTM. Tuy nhiên huyện vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ lập đoàn kiểm tra, xét duyệt, công nhận và công bố huyện đạt chuẩn NTM theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem