Lâm Đồng: Sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh là khu vực có kết cấu đất như thế nào?

Văn Long Thứ năm, ngày 03/08/2023 18:05 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) tiến hành khoan quan trắc tại khu vực bị sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh thì xác định ở độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn, độ kết dính kém, thấm nước cao.
Bình luận 0

Sáng ngày 3/8, liên quan đến vụ sạt lở, sụt lún đất khiến nhà cửa, vườn tược của người dân tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà Dân Việt đã phản ánh qua bài viết Sụt lún gần hồ thủy lợi ở Lâm Đồng, một ông nông dân xót xa khi xây nhà tiền tỷ nhưng không ở được, ông Trần văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến hiện trường kiểm tra thực tế. Ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện Lâm Hà cũng có mặt để ghi nhận tình trạng sạt lở đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh.

Khu vực sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh, độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hiệp (chỉ tay) cùng các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở đất tại khu vực hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: CTV.

Tại buổi kiểm tra trực tiếp, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà đã báo cáo về tình trạng sụt lún đất tại khu vực trên. Theo UBND huyện Lâm Hà, ngày 1/7, địa phương đã phát hiện tại khu vực trên xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20-30cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ gia đình ông Đỗ Văn Tái, Nguyễn Văn Thắng và ông Đỗ Mạnh Đương. Đến ngày 28/7, xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực đất của 3 hộ gia đình trên, chiều rộng các vết nứt phát triển rộng đến 50cm và vết nứt đã lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án.

Khu vực sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh, độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn - Ảnh 2.

Phần sân của một hộ gia đình gần công trình thi công hồ chứa nước Đông Thanh bị sụt lún, hư hỏng. Ảnh: Văn Long.

Ngoài nhà ở và vườn của người dân bị ảnh hưởng, huyện Lâm Hà cũng xác định tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến hạng mục công trình dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh như: Tràn xả lũ bị chuyển vị, đáy dốc nước số 2 và dốc nước số 3 bị nứt đường chân chim, đoạn dốc nước số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn bên phải...

Đến nay, huyện Lâm Hà cùng các đơn vị liên quan đã tuyên truyền, di tản người dân cùng đồ đạc ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm cũng như cử lực lượng trực 24/24 để theo dõi, xử lý tình trạng sụt lún.

Khu vực sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh, độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn - Ảnh 3.

Biển cảnh báo nguy hiểm được cắm tại các khu vực sạt lở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Văn Long.

Đến nay, đơn vị chủ đầu tư, thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh đã tiến hành khoan và siêu âm thăm dò địa chất để tìm hiểu nguyên nhân. Tại độ sâu khoan thăm dò từ 8 - 12 m thì tầng địa chất phía dưới chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn, độ kết dính kém và thấm nước cao.

Kiểm tra thực tế tại khu vực trên, ông Trần Văn Hiệp nhận định, nếu tiếp tục có mưa lớn thì nguy cơ sạt lở, sụt lún đất là rất cao. Vì vậy, huyện Lâm Hà cần theo dõi sát và di tản người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của người dân. Đồng thời tuyên truyền người dân không hoang mang, lo sợ nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước thời tiết bất thường như hiện nay.

Khu vực sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh, độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Hiệp kiểm tra mẫu đất được khoan từ độ sâu từ 8-12 mét. Ảnh: CTV.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu huyện Lâm Hà phải quan trắc hàng ngày, kiểm tra địa chất cũng như các giải pháp kỹ thuật để theo dõi tình trạng sạt lở, sụt lún trên. Điều này phải thực hiện để trong quá trình thi công và đưa vào vận hành sử dụng hồ chứa nước Đông Thanh phải an toàn tuyệt đối.

Ông Đinh Đức Chí – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, hồ chứa nước Đông Thanh là dự án trọng điểm của huyện với tổng số vốn đầu tư 495 tỷ đồng. Diện tích lòng hồ rộng hơn 25ha, khi hoàn thành hồ chứa nước này sẽ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 700ha cây trồng của người dân, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân trong vùng.

Khu vực sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh, độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn - Ảnh 5.

Một số địa điểm thi công hồ chứa nước cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Ảnh: Văn Long.

Khu vực sạt lở đất gần hồ chứa nước Đông Thanh, độ sâu 8-12 mét chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn - Ảnh 6.

Đơn vị thi công thực hiện khoan quan trắc để lấy mẫu đất tại khu vực sạt lở đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem