Lâm Đồng: Trồng loài hồng giòn ngọt, cứ 1 cây cho thu 1 triệu bạc

Văn Long Chủ nhật, ngày 15/09/2019 13:05 PM (GMT+7)
Việc trồng xen 100 gốc hồng giòn trong vườn đã giúp anh Nguyễn Thư Bính (33 tuổi, ngụ xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) thu được từ 5 – 10 tấn mỗi năm. Cả năm không cần phải chăm sóc nhiều nhưng 100 gốc hồng giòn giúp anh Bính có thu hơn 100 triệu đồng mỗi vụ.
Bình luận 0

Clip anh Bính hái hồng tại khu vườn của mình.

Đầu tháng 9, sau nhiều trận mưa không ngớt do ảnh hưởng của những cơn bão, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã tìm được đến nhà anh Nguyễn Thư Bính sau vài lần hẹn. Đây cũng là thời gian thu hoạch rộ hồng giòn-loại trái cây đặc trưng của Đà Lạt (Lâm Đồng).

Đến nhà anh Bính cũng là lúc anh và bố đang cặm cụi cắt cuống quả hồng và đóng vào bao nilong để ủ cho khách. Theo anh Bính, khi hái hồng về là phải đóng bao ủ càng sớm càng tốt vì nó sẽ giúp trái được tươi ngon, đảm bảo độ giòn khi đến tay khách hàng.

img

Những quả hồng giòn mới được hái tại vườn của anh Bính. Ảnh: Văn Long.

Không để chúng tôi đợi lâu, anh Bính dẫn khách đến khu vườn trồng hồng của gia đình mình mua cách đây đã vài năm. “Gia đình tôi có khoảng 100 cây hồng khoảng 20 năm tuổi. Trước khi chúng tôi mua, chủ họ trồng xen với cà phê Arabica, tuy nhiên do không có thời gian chăm sóc nên dần dần chúng lụi hẳn đi chỉ còn trơ gốc. Vì vậy, đất bây giờ tôi chỉ để cho cây hồng phát triển”, anh Bính vừa giơ cây sào hái hồng vừa nói.

img

Anh Bính dùng sào hái hồng tại vườn của mình. Ảnh: Văn Long.

Anh Bính cũng cho biết, giống hồng giòn này khá “dễ chịu” bởi chúng không cần chăm sóc mà hàng năm vẫn cho thu hoạch. Mùa hồng bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Sau thời gian cho thu hoạch thì lá của chúng bắt đầu rụng rồi ra lá mới. Điều đặc biệt là anh Bính và người dân địa phương ở đây đều không hề bón phân hay tỉa cành cho giống cây này, để chúng sinh trưởng tự nhiên. Tuy nhiên, đến mùa cây vẫn cho thu hoạch và sinh trưởng ổn định.

img

Mùa hồng bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Ảnh: Văn Long.

Cầm những chùm quả hồng mới hái xuống, anh Bính chia sẻ: “Trước đây, tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương thì diện tích trồng loại cây này khá lớn. Thế nhưng do giá trị kinh tế không cao bằng các loại cây trồng khác nên đã bị suy giảm nhiều. Hiện tại, hồng tại địa phương được bán với giá khoảng 15 ngàn đồng. So với cùng kì năm 2018 thì giá chỉ ở mức 10.000 – 11.000 đồng/kg. Tuy được giá cao nhưng mùa vụ năm nay sản lượng đang bị giảm. 100 cây hồng của tôi năm 2018 thu được 10 tấn, đến năm nay thì chỉ được còn hơn một nửa”.

img

Hiện tại, giá hồng ở địa phương đã có giá 15 ngàn đồng/kg. Ảnh: Văn Long.

Chứng kiến quy trình ủ hồng của anh Bính chúng tôi mới biết hồng giòn hoàn toàn sạch và đảm bảo về chất lượng. Sau khi hồng được hái mang về nhà, người dân sẽ đóng chúng vào những chiếc túi bằng nilong tùy vào trọng lượng mà khách hàng yêu cầu.

Bên trong bao hồng, anh Bính sẽ lót những lớp báo ở giữa. Mục đích của báo là hút ẩm khi chiếc túi nilong được cột chặt, đây cũng là lúc hồng giòn được ủ và hết chát. Những túi hồng sẽ ăn được sau khoảng 5 ngày ủ. Anh Bính lưu ý trước khi cho hồng vào túi nilong cần cắt cụt phần cuống của quả đi tránh việc đâm thủng túi khiến hồng không được ủ và chất lượng không đảm bảo.

img

Du khách Sài Gòn trải nghiệm hái hồng tại vườn của anh Bính. Ảnh: Văn Long.

Được biết, hiện tại giá hồng giòn tại Đà Lạt và Lạc Dương đã có giá khá cao, tăng khoảng 5 ngàn đồng so với cùng kì năm 2018. Trên các tuyến đường nối với TP. Đà Lạt có rất nhiều người dân bày bán hồng. Hiện, cây hồng được trồng tập trung chủ yếu ở xã Xuân Trường, Xuân Thọ (TP. Đà Lạt), huyện Lạc Dương và Đơn Dương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem