Những ngày cuối năm Mậu Tuất, PV Dân Việt đã có cơ hội đến cơ sở sản xuất hồng treo gió Lễ Vân của bà Đặng Thị Thu Vân để ghi nhận những công đoạn sản xuất hồng treo.
Bà Vân cho biết, đến nay bà đã có kinh nghiệm làm hồng treo gió trên 30 năm, tuy nhiên, 5 năm trước bà và một số nông dân tại Đà Lạt được các chuyên gia của Tổ chức JICA (Nhật Bản) giới thiệu công nghệ chế biến hồng sấy của Nhật Bản. Đây là công nghệ hoàn toàn mới lạ và khác với cách làm của người Việt Nam trước đây.
Cùng PV Dân Việt tham quan và tìm hiểu quy trình làm ra những trái hồng treo tại Đà Lạt.
Những trái hồng già, đủ lượng đường sau khi thu hoạch sẽ được gọt sạch vỏ, sấy trong lò khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ từ 50 - 60 độ C. Từng trái hồng được kẹp gắn tách biệt treo thành dây treo ngoài gió sấy tự nhiên trong điều kiện trời nắng ráo, nhiệt độ ngoài trời từ 25 - 30 độ C và kéo dài khoảng 3 tuần tới khi khô. Ảnh: Văn Long.
Bà Thu Vân bên những dây hồng treo trong cơ sở của mình. "Khi được hướng dẫn cách làm hồng treo gió của người Nhật, tôi đã xây dựng nhà lồng bên sườn đồi để treo hồng. Bên trong nhà lồng tôi đã lắp đặt hệ thống ống sưởi, khi độ ẩm ngoài trời lên cao tôi sẽ cho chúng hoạt động, ngoài ra quạt gió cũng được treo khắp không gian nhà để xua đuổi côn trùng", bà Vân cho hay. Ảnh: Văn Long.
Những trái hồng sau khi treo khô trong nhà kính sẽ được cắt bỏ phần tai và cuống rồi dùng bàn chải chuyên dụng đánh sạch bên ngoài. Điều này sẽ giúp cho quả hồng đẹp và vệ sinh hơn, bên cạnh đó đây cũng là một bước để kiểm tra lại chất lượng của những trái hồng trước khi đóng gói và đưa ra thị trường. Ảnh: Văn Long.
Ngay sau đó, những trái hồng sẽ được chọn lại một lần nữa để phân loại chất lượng trước khi đưa vào bịch và hút chân không. Được biết, nếu gặp thời tiết thuận lợi thì sẽ cho ra những trái hồng sấy thơm, ngọt thanh vị tự nhiên, nhưng thời tiết Đà Lạt mưa nhiều, độ ẩm cao nên nguy cơ hồng bị hỏng rất nhiều. Ảnh: Văn Long.
Một khay hồng sấy thành phẩm khiến người xem không khỏi "ứa nước miếng". Bà Thu Vân cho biết, từ khi tiếp nhận công nghệ chế biến hồng sấy khô của Nhật Bản đã giúp nâng cao giá thành sản phẩm hồng sấy Đà Lạt, đồng thời kéo dài thời gian chế biến, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Ảnh: Văn Long.
Mùa hồng ở Đà Lạt thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, với diện tích hàng trăm héc ta, sản lượng hàng ngàn tấn nhưng chỉ tập trung vào một mùa trong khoảng thời gian ngắn. Chính vì vậy, việc sử dụng công nghệ sấy hồng sẽ giúp cho người dân địa phương nâng cao giá trị của hồng sấy. Ảnh: Văn Long.
Bà Thu Vân cho biết: "Trong khi hồng sấy lò truyền thống có giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg thì hồng sấy treo theo công nghệ Nhật Bản được bán từ 400.000 - 420.000 đồng/kg nhưng không có đủ hàng để cung cấp cho thị trường do thời điểm gần Tết nhu cầu tiêu thụ lớn". Ảnh: Văn Long
Chính vì giá trị của hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản tăng cao so với cách làm truyền thống nên ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất ra đời. Đặc biệt, đã có HTX hồng sấy gió tại Thôn Đất Làng (xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt) được nhiều du khách biết đến và đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Văn Long.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.