Làm đúng cách, Kon Tum giảm nghèo nhanh

Lê Kiến Thứ ba, ngày 06/10/2020 08:22 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Kon Tum đã giảm nghèo nhanh và bền vững. Nguồn lực giảm nghèo và các chương trình, dự án lồng ghép đã góp phần làm cho diện mạo các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thay đổi rõ rệt.
Bình luận 0

Ưu tiên nguồn lực giảm nghèo cho nông thôn vùng khó

Nói về việc gia đình được ra khỏi danh sách hộ nghèo, chị Y Oai (thôn Kon Hnong Pêng, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) cho biết: "Nhờ được cán bộ huyện, xã hướng dẫn cách làm ăn, nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón… nên thu nhập của gia đình cao hơn trước nhiều rồi. Ngoài trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi, gia đình còn có 0,6ha cà phê nên cuối năm thu được một số tiền lớn". 

Theo bà Y Oanh - Trưởng thôn Kon Hnong Pêng, thôn có 29 hộ nghèo, trong đó nhiều hộ nghèo do thiếu vốn, đất sản xuất và chưa biết làm kinh tế. Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bà con được vay 10 triệu đồng/hộ, được hướng dẫn trồng cà phê, chăn nuôi. Kết quả bước đầu đã có 3 hộ thoát nghèo.

Làm đúng cách, Kon Tum giảm nghèo nhanh - Ảnh 1.

Cũng như nhiều hộ dân ở Kon Tum, chị Y Oanh (phải) mong muốn Nhà nước tăng thêm mức hỗ trợ và kéo dài thời gian hỗ trợ đối với hộ nghèo. Ảnh: L.K

"Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn cách làm ăn, nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón… nên thu nhập của gia đình cao hơn trước nhiều rồi".

Chị Y Oai

Ông Trần Toàn - Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Đăk Hà chia sẻ: "Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 2.567 hộ thoát nghèo, giảm bình quân 2,87%/năm. Nhiều dự án, mô hình phù hợp với địa phương đã được triển khai đã giúp người dân, nhất là người nghèo được tiếp cận các nguồn lực, được hỗ trợ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần". 

Cũng theo ông Toàn, hộ nghèo thiếu vốn được vay vốn không lãi suất, thiếu đất sản xuất thì được hỗ trợ đất, thiếu thông tin thì được tuyên truyền… Bên cạnh đó, các loại giống cây trồng, vật nuôi và máy móc cũng được hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

Các mô hình kinh tế đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương chứ không cứng nhắc. Đặc biệt, huyện Đăk Hà khá thành công với mô hình nhân rộng giảm nghèo từ dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà phê, cao su, nuôi lợn tại các xã Đăk Hring và Đăk La. Sau 3 năm vay vốn với lãi suất 0%, các hộ thoát nghèo lại chuyển vốn cho hộ nghèo khác, cứ thế mô hình giảm nghèo được luân phiên nhân rộng ngày càng nhiều.

Lồng ghép nhiều chương trình, dự án

Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum cho biết: "Nguồn lực giảm nghèo của tỉnh được phân bổ ưu tiên cho phát triển kinh tế ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hộ nghèo từ chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh". 

Nhờ vậy trong 4 năm qua, toàn tỉnh có 20.901 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,12%/năm (năm 2015 có 26,11%, đến năm 2019 giảm xuống còn 13,62%). 

Theo ông Thuận, để có được kết quả đó là nhờ các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã tổ chức quán triệt và tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Đến nay 100% số xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện cho 14.337 hộ, trong đó bố trí đất sản xuất cho 990 hộ. Đối với lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 3.622/3.546 lượt người.

Theo ông Thuận, để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, Kon Tum đề nghị Trung ương sớm phân bổ kịp thời nguồn vốn ngay từ đầu năm, từ đầu giai đoạn giúp địa phương chủ động triển khai. 

Đồng thời tăng định mức đầu tư, hỗ trợ phù hợp với tình hình mới, bởi hiện nay nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ dân thoát nghèo vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, cần tích hợp các chính sách giảm nghèo theo hướng gọn đầu mối, tránh chồng chéo dẫn đến hiệu quả thấp.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem