Làm đường nông thôn mới: Dân “tố” nhau, chính quyền lúng túng

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 16/07/2018 13:01 PM (GMT+7)
Nhiều hộ dân có rừng ở thôn Phước Thọ (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã làm đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng “tố” 2 người dân trong thôn tận dụng xi măng Nhà nước hỗ trợ để làm đường nông thôn mới (NTM) rồi thu phí bất hợp lý.
Bình luận 0

Hộ có rừng “tố” phí làm đường quá cao

Theo phản ánh của anh Phạm Trung Chấn (32 tuổi, trú thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa), gần đây nhiều hộ dân có rừng trong thôn đứng ngồi không yên vì mức đóng góp tiền xây dựng đường dẫn vào khu vực khai thác rừng quá cao.

“Tuyến đường dẫn vào rừng được ông Phạm Văn Bé và ông Nguyễn Tân (2 hộ có rừng) cùng bỏ tiền ra làm bằng bê tông, dài khoảng 800m, riêng tuyến đường đất dài hơn 1km (do ông Tân tự bỏ tiền). Tuy nhiên, sau khi đường hoàn thành, 2 ông này yêu cầu các hộ dân có rừng phải đóng 6 triệu đồng/ha nếu đi trên đường bê tông và 12 triệu/ha đối với đường đất. Điều này quá vô lý”-anh Chấn cho hay.

Theo anh Chấn, gia đình anh có 6ha rừng nên phải đóng góp phí gần 100 triệu, trong khi nếu thu hoạch hết rừng thì chỉ thu về chừng 300 triệu. “Tôi nhất quyết không nộp vì số tiền này quá cao. Keo đang chờ thu hoạch nhưng không biết phải làm thế nào, nếu không nộp tiền thì không được đi. Trước khi làm đường tôi không được họp bàn gì cả”- anh Chấn nói.

img

 Anh Phạm Trung Chấn (32 tuổi, xã Mỹ Hòa) không đồng ý nộp tiền làm đường vì cho rằng mức thu quá cao.
ảnh: Dũ Tuấn

Nhiều hộ dân có rừng cho rằng, ông Tân và ông Bé tận dụng xi măng Nhà nước hỗ trợ làm đường NTM rồi yêu cầu họ đóng góp với số tiền áp đặt là điều khó chấp nhận.

“Hai ông này nhận xi măng hỗ trợ, tự bỏ tiền làm đường, yêu cầu các hộ trồng rừng đi qua phải đóng góp với số tiền quá cao. Tôi xin tự nguyện đóng góp 15 triệu nhưng không được đồng ý. Họ bắt phải nộp 6 triệu/ha rừng, tôi có hơn 4ha nên phải nộp 25 triệu đồng. Chúng tôi mong muốn chính quyền vào cuộc làm rõ”- đại diện gia đình ông Trần Ngọc Quyền (xã Mỹ Hòa) nói.

Đã thống nhất nhưng lại đổi ý?

Trước đây, chính quyền xã chủ quan tin tưởng các hộ dân tự thỏa thuận với nhau sẽ không có mâu thuẫn nên mới hỗ trợ xi măng. Bây giờ xã vào cuộc giải quyết nhưng các hộ có rừng vẫn không chịu nộp tiền như ban đầu, quay lại khiếu kiện làm phức tạp tình hình. Chúng tôi cũng không biết xử lý thế nào, chỉ còn cách để nhóm hộ tự thỏa thuận với nhau. Nếu có hành vi cản trở giao thông, vi phạm pháp luật thì xã sẽ xử lý”- ông Trương Quang Hùng nói.

Theo lý giải của ông Phạm Văn Bé (67 tuổi), ông chỉ thu hồi số tiền đã bỏ ra để làm đường bê tông, riêng phần đường đất là việc của ông Tân, ông không liên quan. Trước đây, còn đường đất nhiều hộ dân khi khai thác rừng liên tục bị người dân sống ven đường chặn xe vì ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Đến năm 2016, có chương trình làm đường NTM nên hơn 10 hộ dân có rừng đã họp bàn xin nhà nước hỗ trợ xi măng và thống nhất cùng góp tiền làm đường bê tông.

“Tuy nhiên, lúc nhận xi măng từ xã thì nhiều hộ đồng ý đóng góp trước đó lại không chung tiền. Trước tình thế đã rồi, tôi và ông Tân mới chung tay làm. Đoạn đường bê tông dài hơn 800m, ngoài số xi măng hỗ trợ còn tiêu tốn khoảng 200 triệu đồng.  Nhóm hộ có rừng với diện tích hơn 30ha nên chúng tôi thống nhất mức đóng góp là 6 triệu/ha. Đến nay, chỉ có 6 người đồng ý nộp, còn người có diện tích rừng lớn thì không chịu đóng góp”- ông Bé giãi bày.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên (vợ ông Bé) cho biết thêm: “Vợ chồng tôi là nông dân, cũng có rừng nên mới đứng ra làm đường để vận chuyển và phục vụ chung cho cộng đồng chứ không có lợi lộc gì. Việc thu tiền này chỉ một lần để đủ vốn mà chúng tôi bỏ ra, tất cả giấy tờ thanh toán liên quan đều được ghi chép cẩn thận”.

Trong khi đó, ông Tân cũng cho rằng, do gia đình ông có rừng nên làm đường tạo điều kiện cho bà con, không có chuyện lợi dụng kiếm lời.

Ông Trương Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) cho biết, đã tiếp nhận được thông tin khiếu nại liên quan đến vụ việc mà các hộ dân có rừng ở thôn Phước Thọ phản ánh và xã đã họp dân để giải quyết.

“Việc làm đường này không phải UBND xã chủ trì thực hiện mà do đại diện nhóm hộ dân có rừng tại địa phương tự thống nhất, vận động góp tiền xây dựng. Ông Tân và ông Bé đại diện nhóm hộ này tự bỏ tiền ra làm đường bê tông, sau đó các hộ sẽ đóng góp tiền trả lại. Tuy nhiên, làm xong đường thì các hộ dân không đồng ý nộp vì cho rằng phí cao và phát đơn khiếu nại”- ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, UBND xã Mỹ Hòa đã mời nhóm hộ dân có rừng họp và thống nhất, yêu cầu ông Bé và ông Tân vận động người dân nộp tiền theo thỏa thuận ban đầu để thu hồi vốn. Việc này phải thực hiện đúng quy định, không được lợi dụng để sinh lời. Đặc biệt, không cấm phương tiện lưu thông trên đường để ép buộc các hộ có rừng nộp tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem