Phóng viên đã trao đổi với ông Lê Thanh Liêm (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM.
Có ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền xây dựng NTM đang mờ nhạt hơn so với giai đoạn 2011 - 2015, ông nhận định như thế nào?
- Để xây dựng NTM phải phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện nâng chất các tiêu chí được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, hai năm 2016 – 2017, các nội dung này chưa đáp ứng theo yêu cầu.
Chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: I.T
"Việc cam kết thực hiện 19 tiêu chí phải có sự đồng lòng từ tất cả các thành phần liên quan, từ quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; sở ngành, khối khoa học công nghệ, doanh nghiệp cho đến người dân và cộng đồng”.
Ông Lê Thanh Liêm
|
So với giai đoạn 2011 – 2015, các xã NTM ít có những hoạt động huy động cộng đồng tham gia phong trào văn nghệ tuyên truyền về xây dựng nông thôn. Các hình thức tuyên truyền trực quan chưa thật sự nổi bật... Tình trạng này có nguyên nhân trực tiếp từ các trưởng, phó ban quản lý xây dựng NTM các xã (thường là chủ tịch và phó chủ tịch xã kiêm nhiệm - PV). Lực lượng này đã thay đổi nhiều, một số chưa qua tập huấn, chưa quán triệt được phương châm chủ đạo “dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng”.
Vậy còn vai trò các sở ngành thì sao, thưa ông?
- Chủ thể xây dựng NTM tuy gắn bó trực tiếp với cơ sở từ Ban phát triển ấp, Ban quản lý xây dựng NTM xã, nhưng sự chỉ đạo, hướng dẫn từ các sở ngành chuyên môn, các đoàn thể chính trị xã hội cũng rất quan trọng. Dù vậy, một số sở ngành, đoàn thể vẫn còn có tư tưởng chủ quan từ kết quả bước đầu của giai đoạn 1 (2011 - 2015) nên chưa thực sự vào cuộc; chưa có kế hoạch triển khai, phân kỳ tiến độ, lộ trình, giải pháp phối hợp cụ thể với xã, huyện để thực hiện 19 tiêu chí. Nhiều nơi, người dân và địa phương phải tự thực hiện.
Việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể cũng còn thiếu sự quan tâm từ các sở ngành liên quan. Trong nội bộ, cán bộ quản lý hợp tác chưa tâm huyết hoặc năng lực quản lý kinh doanh kém. Một số HTX còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa phát huy được nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Các mối ràng buộc để cam kết triển khai giữa các thành phần chưa cao; chưa có kế hoạch phối hợp thực hiện những nội dung, lộ trình nhằm đạt các tiêu chí đề ra; chưa có cam kết hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng như cân đối nguồn vốn đủ đáp ứng đầu tư thực hiện chương trình.
Vậy theo ông, nhân tố cụ thể nào đóng vai trò “nhạc trưởng” trong thúc đẩy xây dựng NTM?
- Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt thì trong hoàn cảnh khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Có thể kể ra điển hình như xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh), dù còn nhiều hộ nghèo nhưng những người đứng đầu cấp ủy vẫn quyết liệt đẩy mạnh kế hoạch xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hoa mai, hoa lan cho tới các hoạt động đảm bảo môi trường, an ninh trật tự…
Bài học nào có thể rút ra từ quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn qua, thưa ông?
- Từ thực tế giai đoạn 2011 – 2015 và thực hiện trong hai năm 2016 – 2017 cho thấy xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, xây dựng NTM phải gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thì chủ thể quan trọng nhất là người nông dân; nhưng không phải nông dân riêng lẻ mà phải được liên kết sản xuất. Hộ nông dân phải tham gia và trở thành thành viên của các HTX. Tất nhiên, việc liên kết, hợp tác phải gắn liền với xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.