Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta lại không có ôtô để đi? Tại sao giá ôtô ở Việt Nam lại cao trên trời như vậy? Vì sao ở Việt Nam có quá nhiều loại thuế hạn chế ôtô đến thế? Một trong những giải pháp để đáp ứng giấc mơ trên, được rất nhiều người trông đợi, cũng như các chuyên gia ủng hộ, là phát triển sản xuất ôtô ở Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm vừa công nghiệp hoá đất nước, lại phát triển công nghệ cao vì ôtô là ngành sản xuất phức tạp và kéo theo nhiều ngành phụ.
Giấc mơ ôtô của người Việt vẫn đang lơ lửng với những bài toán về kinh tế (Nguồn: Dân trí)
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, có thể thấy rằng những ý kiến phát triển sản xuất ôtô ở Việt Nam là ngây thơ và không hề khả thi, cũng như không thể coi sản xuất ôtô là công nghệ cao được. Trước hết, phải thấy rằng, kiểu tư duy “sản xuất ô tô để đáp ứng nhu cầu trong nước” là hết sức cổ điển, mang nặng tính chất tự cấp tự túc. Nếu tư duy như vậy, muốn có iPhone cần phải sản xuất iPhone ở Việt Nam, và muốn có mì ăn thì toàn dân cần phải đi trồng lúa mì?
Trong nền kinh tế thị trường, việc sản xuất một mặt hàng nào đó, cần phải căn cứ vào nhu cầu có khả năng thanh toán, lợi thế so sánh khi bán và giá thành đầu vào. Đối với Việt Nam, sản xuất ôtô bán cho ai khi mà thu nhập bình quân đầu người vào hàng thấp trên thế giới. Nếu nói sản xuất để xuất khẩu thì cũng không biết xuất đi đâu, khi mà giá xe của Thái Lan còn rẻ hơn, chất lượng cao hơn vì họ đã phát triển lâu rồi.
Sản xuất ôtô cũng không phải là ngành công nghệ cao ở Việt Nam, vì các hệ thống quan trọng nhất của ôtô, gồm có động cơ, hệ thống phần mềm điều khiển...đều được coi như bí mật công nghệ và không có quốc gia nào dại gì mang nó đến thực hiện tại Việt Nam cả. Thực tế, động cơ và phần mềm đều được giữ lại tại Nhật hay Đức chứ không được mang ngay cả sang Thái. Sản xuất ôtô thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường lớn, vì các nước Nhật, Đức đều chỉ muốn đẩy các công nghệ cũ ra các nước kém phát triển để tránh ô nhiễm và các mức phí môi trường cao tại nước họ.
Thực ra, đối với Việt Nam hay Thái Lan, sản xuất ôtô không khác gì sản xuất máy giặt hay bơm xe đạp. Bản thiết kế được làm từ Nhật, động cơ và phần mềm làm từ Nhật, còn khâu cuối cùng lắp lại thì mới tới lượt Việt - Thái. Vậy thì, tốt nhất, chúng ta nên quên giấc mơ sản xuất ôtô tại Việt nam, mà hãy nghĩ theo cách khác: “Sản xuất cái gì đó có lợi thế, có giá trị cao hơn ôtô, để có thể mua được ôtô?”.
Phần mềm là một ví dụ cụ thể. Trên thực tế, sản xuất phầm mềm có giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều so với ôtô, và ít gây ô nhiễm môi trường nhất. Theo đánh giá của nhiều tổ chức có uy tín, với dân số trẻ và trình độ hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thành một nước có ngành công nghiệp phần mềm phát triển. Nếu một ngày nào đó, các bạn Thái lắp ráp xe xong và xếp hàng chờ các trung tâm phần mềm Việt Nam nạp phần mềm điều khiển vào mới xuất xưởng, thì người Việt hoàn toàn có thể mua ôtô, không phải chỉ ôtô Thái, mà cả ôtô Đức cũng chỉ là “muỗi”.
Một ngành khác có thể phát triển là sản xuất điện thoại di động. Đây cũng là ngành mới mà Thái hoặc Indonesia chưa phát triển. Vì ngành này mới hơn so với ôtô, nên các công nghệ mang sang cũng chưa lỗi thời như ngành ôtô. Giá trị của ngành này hiện nay cao hơn ngành ôtô gấp nhiều lần.
Một tin đáng mừng là nhiều tập đoàn sản xuất điện thoại (Samsung, Nokia...) đang đến Việt Nam lập đại bản doanh để phát triển sản xuất. Hơn thế nữa, sản xuất điện thoại lại hướng tới xuất khẩu mang đô la về chứ không như sản xuất ôtô dự định phục vụ trong nước. Đồng thời, sản xuất điện thoại cũng không tốn nhiều diện tích đất đai như sản xuất ôtô, nên sẽ giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Chúng ta có thể nắm lấy lợi thế này, và mấy năm nữa, các bạn Thái, Indonesia cứ việc sản xuất ô tô, bán sang Việt Nam còn Việt Nam sẽ bán điện thoại sang châu Âu, Mỹ với giá trị gia tăng cao hơn để mua ôtô Thái, vừa đỡ ô nhiễm môi trường, lại được công nghệ mới hơn.
Có thể tìm thêm một ngành nữa là công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tức là phát triển các sản phẩm nông nghiệp biến đối gen, có năng suất chất lượng cao hơn. Với tiềm năng nông nghiệp có sẵn, bằng việc mời gọi các công ty công nghệ nông nghiệp nước ngoài tới đầu tư sản xuất, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp của vùng và thế giới.
Một lần nữa, chúng ta sẽ xuất khẩu các sản phẩm này để mua ôtô, thoả mãn giấc mơ ôtô của người nông dân. Từ các ví dụ trên, có thể thấy chính sách đúng đắn phải là: ngành phần mềm, sản xuất điện thoại, công nghệ sinh học - nông nghiệp cần được tuyệt đối hỗ trợ và kêu gọi đầu tư, còn ngành ôtô cần tăng thêm thuế hơn nữa để hạn chế và lấy tiền phát triển hạ tầng giao thông công cộng.
Điểm quan trọng nhất cần thay đổi trong tư duy, đó là muốn có ôtô, thì không phải là đi sản xuất ôtô, mà phải sản xuất cái đắt hơn, mới hơn mà mình có tiềm năng và có thị trường, để mua nó.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.