Làm gì để khơi thông vốn cho tam nông?

Thứ ba, ngày 15/02/2011 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau loạt bài đưa vốn về tam nông, NTNN đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Xin trích đăng các ý kiến gợi mở để khơi thông dòng vốn cho khu vực này.
Bình luận 0

Ông Lê Văn Cần, nông dân huyện Kế Sách, Sóc Trăng: Sẽ dễ thở hơn

Trước kia, đầu tư làm mỗi vụ lúa tui phải vay tiền và mua thiếu phân - thuốc từ 30 - 50 triệu đồng/vụ. Cả năm cũng gần 150 triệu đồng, lãi suất không bao giờ dưới 2 phân/vụ (tức 20% trên số nợ - PV). Vay riết rồi giấy tờ đất cứ nằm ỳ vì thế chấp suốt trong các ngân hàng hoặc mấy ông tiệm vàng ở thị trấn…

Giờ được vay nhiều hơn, tới 300 triệu đồng, mà không cần thế chấp với lãi suất thấp hơn ngân hàng cho vay tiêu dùng, đúng là rất mừng! Có nguồn vốn này nông dân sẽ dễ thở hơn, dễ làm giàu từ đất ruộng hơn rồi!

 img
Để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, nông dân cần hợp tác làm ăn lớn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ: Khó viết “dự án khả thi”

Cá nhân tôi cho rằng Nghị định 41 ra đời là một bước ngoặt quan trọng và là chính sách đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn... Vấn đề “khát vốn” của các hộ dân có đất đai, kinh nghiệm và điều kiện mở rộng sản xuất sẽ sớm được giải tỏa nếu các ngân hàng thực thi tốt chính sách này.

Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận các nguồn vốn này vẫn còn khá nhiều vướng mắc cần giải quyết. Ví dụ: Đa số nông hộ dù có quy mô sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao, nhưng thường thiếu năng lực viết “dự án khả thi” để có thể vay đến 500 triệu đồng không cần thế chấp theo Nghị định 41.

Vì vậy, nhiều hộ vẫn phải vay thế chấp, hoặc ngân hàng giải ngân vốn vay bằng dự án nhưng cũng vẫn yêu cầu thế chấp…

Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank: Huy động thêm dòng vốn khác

Để đảm bảo đủ nguồn vốn cho nông nghiệp - nông thôn, các ngân hàng thường phải cân đối từ nhiều kênh vốn khác nhau. Lý do nhu cầu của nguồn này rất lớn, lãi suất lại rất thấp và có thể là thấp nhất trong các nhóm khách hàng vay.

Do đó, ngoài nguồn vốn trong nước các ngân hàng còn phải tìm kiếm và khai thác thêm các dòng vốn từ bên ngoài, sao nguồn vốn có được phải có giá thấp mới có thể phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Ông Kiều Trọng Tuyến – Phó Tổng GĐ Agribank: Giữ lại 2% vốn “không kỳ hạn”

Nghị định số 41 mới ban hành là cơ sở quan trọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn trong những năm tới. Hiện nguồn tín dụng phục vụ cho khu vực nông nghiệp thường chiếm từ 70 – 80% tổng dư nợ cho vay. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn này trung bình cũng lên đến 30%/năm. Nhưng thực tế nhu cầu vốn của nền kinh tế và khu vực nông nghiệp nói riêng vẫn lớn hơn rất nhiều khả năng đáp ứng của các ngân hàng.

Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép Agribank giữ lại 2% vốn “không kỳ hạn” để tiếp tục đưa vào mục đích cho vay, thay vì chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thì có thể giảm bớt một phần gánh nặng về vốn cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Đen – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang: Cần hợp tác làm ăn lớn

Trong mắt các ngân hàng, cho vay tam nông thường là các món vay nhỏ. So với cho các doanh nghiệp, các dự án thường vay hàng trăm triệu đến hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng… rõ ràng lãi suất tốt hơn, công tác thẩm định, quản lý cũng nhẹ nhàng hơn.

Vì vậy, muốn vay lớn và tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, nông dân cần tiến đến xu hướng hợp tác và làm ăn lớn. Chính quyền các địa phương cũng phải thường xuyên quan tâm đến nhu cầu này của nông dân để tác động, làm cầu nối giải tỏa khoảng cách giữa nông dân “khát vốn” với các ngân hàng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem