Làm gì để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn?

Huyền Anh Thứ năm, ngày 27/09/2018 15:20 PM (GMT+7)
Mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Tuy nhiên, trên thực tế, con số thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn rất “khiêm tốn”.
Bình luận 0

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày.

Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng hơn 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2016. Điển hình tại Thụy Điển tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế.

Một xã hội không tiền mặt là xu hướng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Thống kê cho thấy, 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Người dân nông thôn vẫn “thích” dùng tiền mặt

Lấy đơn cử như trong lĩnh vực thuế, nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát hạn cuối mới đi nộp...

  • 60% dân số ở khu vực nông thôn đa phần chưa có tài khoản và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính
  • Số lượng điểm giao dịch Ngân hàng thương mại bình quân 2,2 điểm/khu vực hành chính ở nông thôn

Tương tự, trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Một trong những nguyên nhân là thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân.

Riêng đối với những vùng khó khăn như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỉ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của đại đa số người dân, cho nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn.

img 

Trên 90% giao dịch ở nông thôn thanh toán bằng tiền mặt

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng trong nước nói chung và người nông dân, nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Hạ tầng công nghệ: Tăng lượng, chưa tăng chất?

Muốn người dân tích cực sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt, túy nhiên trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Đồng thời, việc thanh toán qua thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng, thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM là chủ yếu (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán...

Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… trong khi đó ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày.

Tính đến 30/6/2018, trên toàn quốc có trên 18.280 ATM và trên 289.070 POS đang hoạt động (tăng tương ứng 4,2% và 7,5% so với cuối năm 2017)

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc công ty TNHH Lucavi (Công ty hoạt động chính là chăn nuôi gia cầm;chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt và dịch vụ chăn nuôi…), ngân hàng đã có sự phát triển mạnh mẽ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cả ở hiện tại và tương lai vài năm tới.

“Với nhà tôi hiện tại, phải đi mất 3 km mới đến được 1 điểm giao dịch của ngân hàng. Như vậy, để giao dịch được bằng phương thức hiện đại này, tôi phải mất quá nhiều thời gian. Chúng ta đang bàn nhiều đến cuộc cách mạng 4.0, nhưng sự thật thì đang rất bất cập, nếu ngân hàng không cải tổ mạnh mẽ, đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp thì rất khó để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”, lãnh đạo doanh nghiệp này bày tỏ.

Ngoài ra, việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, phí làm thẻ, phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp cũng là cản trở lớn khiến nhiều người ngần ngại khi sử dụng hình thức này.

Rủi ro “mất tiền” tài khoản

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia tài chính, các phương thức thanh toán hiện đại trên nền tảng ngân hàng số đem lại nhiều lợi ích cả về tài chính cũng như các mục tiêu quốc gia về giảm lượng tiền mặt trong thanh toán. Nhưng đồng thời, nó cũng đối mặt nhiều rủi ro về lừa đảo, tin tặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Thực tế tại Việt Nam đã xuất hiện các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao ăn cắp tiền của tài khoản cá nhân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa chưa biết tự bảo vệ thông tin tài khoản và nhận thức chưa đầy đủ về giao dịch an toàn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Cường,Giám đốc công ty TNHH Lucavi cũng cho rằng, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh công nghệ, nâng cao tính bảo mật, an toàn trong phương thức thanh toán cũng như đầu tư phát triển những sản phẩm dịch vụ phù hợp với đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn.

40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

“Tôi ở Bắc Ninh, hiện nay những người nông dân chúng tôi đã dùng điện thoại thông minh rất nhiều nhưng chủ yếu để nghe, gọi, lướt facebook, chát zalo chứ chưa dùng nó cho các giao dịch thương mại.

Với đặc thù quê tôi, các ngân hàng không cần phải xây dựng quá nhiều cây ATM, chỉ cần xây dựng chính sách bảo mật tốt, an toàn đảm bảo khi giao dịch qua internet, tuyên truyền tốt, sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để nông dân chúng tôi tăng cường giao dịch qua Internet. Chứ như hiện nay, xem trên báo thấy những vụ mất tiền, nửa đêm mất tiền rồi cả  ngân hàng cũng bị mất tiền mà không kiểm soát được thì nông dân chúng tôi lo lắm” –  ông Cường bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem