Chuyển hướng làm ăn
Đầu tháng Chạp, đến thăm vườn của lão nông Hai Còn (phường Linh Đông, Thủ Đức) – chủ một vườn mai bonsai với hơn 1.000 gốc, thấy ông đang đi tới đi lui ngắm những gốc mai cao quá đầu người chuẩn bị giao khách chơi tết. “Năm nay, mai tết hứa hẹn một mùa bội thu” - ông thổ lộ.
Chị Nguyễn Ngọc Quế Phương chăm sóc mai chuẩn bị bán tết. Ảnh: Trần Đáng
"Đất đai ngày càng teo tóp nên tôi hạn chế vườn mai nhiều rồi. Mấy chục năm theo nghề làm mai vàng nên bỏ thì thương, vương thì tội. Nói gì thì nói, cây mai chiếm một vị trí đặc biệt trong văn hóa Việt, nhất là 3 ngày tết, nên chắc chắn các làng mai sẽ mãi tồn tại”.
Lão nông Năm Đông (Thủ Đức)
|
Theo ông Hai Còn, thời buổi này việc kinh doanh mai đã thay đổi khá nhiều so với chục năm trước. Các nghệ nhân đang có xu hướng giữ cây, cho thuê chứ không “mua đứt, bán đoạn” như trước đây.
“Tôi thấy cho thuê mai chơi ba ngày tết khả dĩ hơn là bán cho khách rồi nhận chăm mai. Rất phiền phức cho mình. Khách hàng thuê mai chơi tết cũng dễ dàng chọn cây vừa ý lại vừa tiện, phù hợp với túi tiền” - lão nông Hai Còn nói.
Vài ba năm nay, lão nông Hai Còn chủ trương chỉ cho thuê mai chưng tết. Mỗi năm ông kiếm được tiền tỷ từ dịch vụ này. Mỗi cây mai cho thuê trong 3 ngày tết có giá vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Mai của ông được khách hàng 3 miền thuê chơi.
Cũng như lão nông Hai Còn, chị Nguyễn Ngọc Quế Phương – Chủ tịch Hội Nông dân phường Linh Đông, chủ vườn mai vàng bonsai khoảng 700 gốc, vài năm nay cũng cho thuê mai chứ ít khi “bán đứt” cho khách. “Tôi chỉ bán khi giá trị cây mai dưới 4 triệu đồng. Còn hầu như là cho khách thuê chơi 3 ngày tết” - chị nói.
Theo chị Quế Phương, việc cho thuê mai có nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất vẫn là giữ những gốc mai mà thời buổi này khó tìm kiếm. Chị tính, mỗi dịp tết chỉ có khoảng 5% số cây trong vườn là bán, số còn lại là cho thuê: “Để hoàn chỉnh một cây mai bonsai rất kỳ công, mất vài năm trời. Làm 10 cây thì chết hết một nửa rồi nên rủi ro rất cao. Thời buổi này lại rất khó kiếm được phôi đẹp để cấy, ghép nên không bán cây nữa”.
Nếu như xưa nay, làng mai Thủ Đức chỉ chọn phân khúc người chơi là “con nhà giàu”, thì tại làng mai Bình Lợi hiện nay lại, những chủ vườn mai lại đi theo phân khúc “tầng lớp lao động”. Mai ở đây được trồng theo lối “công nghiệp hóa”. Nông dân sạ giống mai như… sạ lúa rồi chờ cây lớn để bán giống, phôi hoặc bán mai tàng chơi tết. Giá mai ở đây khá rẻ, cây con giống giá chỉ vài ngàn đồng, còn mai tàng chơi tết cao ngang đầu người cũng chỉ 500.000 – 1 triệu đồng/cây.
Anh Trần Tứ Vương – chủ vườn mai hơn 10ha tại làng mai Bình Lợi cho biết, mỗi ha trồng được khoảng 10.000 cây mai. Nếu để khoảng 3 năm tuổi, 1ha mai có thể bán được khoảng 2 tỷ đồng. Nếu biết làm ra thành phẩm thì lợi nhuận còn lớn hơn nhiều. Mỗi dịp tết anh bán ra khoảng 10.000 gốc mai lớn nhỏ, thu về hàng tỷ đồng.
Hiện, tại làng mai Bình Lợi có hơn 300ha mai vàng với khoảng 200 hộ tham gia. Diện tích này chắc chắn sẽ chưa dừng lại, bởi mấy năm gần đây diện tích trồng mai tại xã tăng chóng mặt do chính quyền đang khuyến khích nông dân trồng, cũng như lợi nhuận mang lại khá cao.
Lo giữ nghề
Nếu như làng mai Bình Lợi đã phát triển được hơn 300ha, thì làng mai Thủ Đức teo tóp còn 30ha. Chủ tịch Hội Nông dân quận Thủ Đức Nguyễn Thị Hoài rầu rĩ: “Thành phố có chủ trương khôi phục và bảo tồn làng mai Thủ Đức, nhưng với xu thế đô thị hóa như thế này thì bảo tồn rất khó vì các vườn mai “da beo” trong đô thị. Hiện nay, do thiếu đất, các chủ vườn mai tại đây phải sang các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh tìm đất trồng mai”.
Để hỗ trợ làng mai Bình Lợi, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã xây dựng nhiều kế hoạch, như: cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu… Ảnh: T.Đ
Một số chủ vườn mai ở Thủ Đức lo lắng, nếu làng mai Bình Lợi trỗi dậy thì làng mai Thủ Đức gặp khó do cạnh tranh giá. Trước đây, nông dân trồng mai ở Bình Lợi chỉ trồng mai nguyên liệu cung cấp cho các nghệ nhân làng mai khác do chưa có tay nghề làm mai thành phẩm (mai ghép, bonsai) và cũng để tránh đối đầu với sản phẩm mai từ Bến Tre, Thủ Đức, Bình Định… Nhưng gần đây, nông dân trồng mai Bình Lợi đã làm mai thành phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm.
“Thời gian qua các làng mai Bến Tre và Thủ Đức đang giảm dần sản phẩm mai bonsai và mai ghép. Nguyên nhân của tình trạng này là do đô thị hóa và thời tiết không thuận lợi. Nông dân trồng mai ở đây biết tranh thủ tình trạng này. Và cùng lúc đấy là nhu cầu nâng cao giá trị sản phẩm nên nông dân trồng mai xã Bình Lợi đã chuyển dần từ chỗ chỉ làm mai nguyên liệu sang làm mai thành phẩm nhằm tiếp cận thị trường” - anh Tứ Vương cho biết.
Chị Quế Phương lại không lo lắng vì: “Hiện, làng mai Thủ Đức làm mai bonsai, chọn phân khúc “nhà giàu”, còn làng mai Bình Lợi chủ yếu làm mai tàng, phân khúc “bình dân”, nên không sợ đụng hàng. Vả lại, nếu làng mai Bình Lợi làm được mai bonsai thì cũng không bán giá rẻ, bởi khá tốn kém, kỳ công như nhau”.
Để giúp làng mai Bình Lợi trồng mai ngày càng đạt chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, cuối năm 2017, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã hỗ trợ các hộ về cơ giới hóa với máy phun thuốc trên cây, xây dựng thương hiệu và xây dựng HTX...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.