Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Làm giàu từ đất…
Ông Phan Ngọc Anh bắt đầu làm kinh tế trang trại từ năm 1989. Khi ấy, vùng đất Duy Thu (huyện Duy Xuyên) phần lớn là gò đồi, bậc thang, bạc màu, chỉ phù hợp với cây công nghiệp, cây ăn trái. Nắm bắt ưu thế của vùng đất ấy, ông mở trang trại theo mô hình VAC, với các loại cây trồng như tiêu, cam, quýt, chanh và chăn nuôi bò, gà, vịt… Sản lượng hàng năm khoảng 18 tấn trái cây, 4 tấn thịt.
Tiếp đó, năm 2001, từ nguồn vốn tích cóp và vay mượn, ông Anh mở doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch tuynel mang tên Ngọc Ánh, với nguồn vốn ban đầu chỉ 500 triệu đồng. Đến cuối năm 2007 doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, với 3 cơ sở có tổng diện tích trên 15ha. Hiện sản lượng gạch mỗi năm của công ty lên tới 100 triệu viên, doanh thu trên 110 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 10 tỷ đồng.
Hàng năm, đến Ngày Thương binh - Liệt sỹ (12.7), ông Phan Ngọc Anh đều dành những phần quà tặng cho các gia đình chính sách là nông dân. ảnh: TRƯƠNG HỒNG
Ông Anh chia sẻ: “Công ty của tôi đang giải quyết việc làm cho trên 600 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư thêm lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, với kinh phí dự kiến trên 70 tỷ đồng. Tôi đang cho thiết kế xây dựng cụm nhà hàng, khách sạn, hồ nước, bể bơi... như một resort thu nhỏ ở quê mình. Đây là mong ước từ lâu của tôi...”.
Ông Phan Ngọc Anh được xem là ông chủ luôn quan tâm sâu sát đến quyền lợi của người lao động. Ngoài phần lương chính, thông qua tổ chức công đoàn cơ sở, công ty có các hình thức khen thưởng xứng đáng cho những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc cho đơn vị; kịp thời hỗ trợ cho những đoàn viên hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân xây dựng nhà cửa kiên cố.
Bà Nguyễn Thị Phượng - Tổ trưởng bốc dỡ thành phẩm của công ty, cho hay: “Chúng tôi luôn được lãnh đạo công ty tạo điều kiện, môi trường làm việc thích hợp. Chưa bao giờ tôi có ý định rời xa nơi chắp cánh ước mơ cho mình, bởi từ đây mà những người lao động ở vùng quê nghèo này có cuộc sống tốt hơn”.
Trải qua 13 năm làm việc ở khâu bốc xếp tại nhà máy sản xuất gạch của công ty này, bà Trần Thị Thanh Tâm (xã Duy Phú, Duy Xuyên) xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Là nông dân chân đất, bà Tâm vào làm công nhân của công ty từ khi còn dùng phương pháp sản xuất thủ công. Với bà Tâm, trở thành công nhân là một bước ngoặt bởi cuộc sống của hai mẹ con bà đỡ vất vả hơn nhờ có tiền lương ổn định, hiện được hơn 7 triệu đồng/tháng. “13 năm làm việc ở công ty, tôi xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình, nhờ công việc này mà tôi nuôi con ăn học nên người. Ở đây làm việc ổn định, lương, thưởng, phạt rõ ràng, chế độ đầy đủ” - bà Tâm nói.
Trả ơn đất bằng cả tấm lòng
Ông Phan Ngọc Anh được công nhận Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và Trung ương (2012-2016); nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 vì có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 vì có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới từ năm 2010-2015; được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017... |
Tâm niệm của ông Phan Ngọc Anh là phải luôn có chiến lược sản xuất phù hợp, tìm đơn hàng ngày càng nhiều hơn, đảm bảo sản lượng hàng năm tăng đều, năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu của công ty ngày càng tăng, đồng nghĩa với thu nhập của người lao động cũng tăng. Hiện 80% nhân viên của công ty có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng/năm. “Mình đi lên từ đất thì phải biết trả ơn cho những người bắt đất “đẻ” tiền cùng mình” - ông Anh nói.
Với anh quan niệm “sống để lại cho đời”, ông Phan Ngọc Anh đã dành nhiều thời gian và tiền của để hỗ trợ, động viên những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Thời gian qua, ông đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng khu văn hóa thôn, nhà sinh hoạt tổ đoàn kết và hơn 3 tỷ đồng xây dựng 7,5km đường bê tông nông thôn. Ông còn giúp hơn 20 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật để mở hướng làm ăn. Thời gian qua, ước tổng số tiền ông đã góp cho hoạt động phúc lợi xã hội là trên 10 tỷ đồng.
Theo đại diện UBND xã Duy Phú, mỗi năm ông Anh hỗ trợ tiền mặt vào quỹ khuyến học các xã, các trường học trong huyện không dưới 50 triệu đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ thường xuyên này, thời gian qua ông đã dành hỗ trợ cho xã Duy Phú 400 triệu đồng để xây dựng trường mẫu giáo; tặng quỹ học bổng Lê Thiện Trị của huyện Duy Xuyên trên 80 triệu đồng để giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học…
“Trong cuộc sống này, những gì ta cho đi bằng tình người mới thật sự đúng nghĩa là cho mà không phải là sự trao đổi hay mua bán. Khi ta thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của bản thân còn được xã hội tạo điều kiện. Vậy nên phải biết sẻ chia trách nhiệm cộng đồng xã hội, đó mới là sự giàu có đúng nghĩa, bền lâu. Tôi cảm thấy cuộc sống ấm áp của mình khi luôn có những tấm lòng biết đồng cảm với những khó khăn, bất hạnh của người khác…” - ông Anh bộc bạch. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.