Làm giàu, thoát nghèo nhờ vào hội từ thiện dòng họ

Khánh Gia Chủ nhật, ngày 25/12/2016 06:22 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, những người dân tộc Thái cùng dòng họ Quàng ở bản Mường Khoa, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã tập hợp với nhau thành một đội từ thiện. Nhờ cùng giúp nhau xây nhà, làm nương, làm rừng, đi làm thuê... nhiều gia đình đã phát triển kinh tế một cách ổn định bền vững.
Bình luận 0

Dòng họ bảo nhau làm

Đang chỉ huy mọi người trong hội từ thiện bốc gạch và đá để xây nhà mới cho ông Quàng Văn Sun ở bản Mường Khoa, ông Quàng Văn Bách - Hội trưởng Hội từ thiện họ Quàng cho biết: Do công việc làm nương, làm ruộng ở trên vùng cao lúc nào cũng phải cần đông người nhiều nhân lực, từ năm 1992 những người trong họ Quàng chúng tôi đã bảo nhau họp lại, để làm những công việc chung trong họ và trong bản.

img

Các thành viên hội từ thiện bốc gạch và đá để xây nhà mới cho ông Quàng Văn Sun. Ảnh: T.H

Trước đây nhà ai có công việc lớn như làm nhà, cưới xin thì đều phải đi thuê khá tốn kém có khi còn mang nợ. Nhưng từ khi làm dâu của họ Quàng, thấy mọi người đi làm việc tích cực, mình cũng phải tham gia chứ, vừa có việc làm, lại có tiền. Quan trọng là, đàn ông không có thời gian mà tụ tập rượu chè, và sinh ra các tệ nạn khác nữa”. 

Chị Nù Thì Hợp
(24 tuổi, con dâu họ Quàng)

Ví dụ như chuyển vật liệu cho nhà ông Sun, ôtô chỉ chở được tới đường nhựa, mà đa số bà con chúng tôi nhà đều ở trên đồi, đường đi khó khăn, nên chúng tôi phải huy động anh em trong họ đến để làm giúp mỗi người một chân một tay. “Việc tới làm giúp này là điều bắt buộc, nếu gia đình nào không có người tham gia mà không có lý do chính đáng, là bị phạt 50.000 đồng mỗi buổi vắng mặt” - ông Bách thổ lộ.

Ông Bách cho biết thêm, hội từ thiện đầu tiên lập ra chỉ làm những công việc trong họ, cưới xin ma chay, ai phân công nấu cỗ, đón khách. Nhưng những năm gần đây, dòng họ đã bắt đầu đi nhận việc để làm thuê như cùng đi khai thác rừng, đào đất… Trong họ có 39 hộ, đa số nhiều nhà cả hai vợ chồng đều tham gia hội, nên có tới 74 lao động thường xuyên làm thuê. Năm 2016 này, hội đã trích từ tiền đi làm thuê, gây quỹ 25 triệu đồng để giúp đỡ các hộ trong họ những lúc khó khăn đột xuất.

Vừa địu đứa cháu 2 tháng tuổi trên lưng, vừa nhanh tay xúc đá vào bao cho những thanh niên chở lên cho chủ nhà, bà Quàng Thị Hún (54 tuổi) nói: “Đi làm trong hội từ thế này vui lắm, công việc thì chạy, chủ nhà cũng không phải mất công nấu cơm phục vụ chúng tôi. Làm xong nhà nào về nhà đó ăn, đỡ tốn kém và mất việc”.

Lo tết cho nhau

Là người được bầu làm hội trưởng hội từ thiện của dòng họ Quàng đã nhiều năm nay, ông Quàng Văn Bách cho biết: “Những năm qua, hội từ thiện đã trích kinh phí mà hội đã sản xuất được trong một năm qua, để tổ chức ăn tết cho bà con. Tết này ngoài liên hoan một bữa tập trung thì mỗi gia đình sẽ được cấp giò, và cấp tiền khoảng 300.000 đồng/hộ để gia đình thành viên nào dù nghèo khó cũng có tết”.

Bên cạnh đó, hội từ thiện cũng thực hiện chính sách khuyến học. Các con cháu trong họ ai đỗ đạt hay có thành tích cao, hội đều trích quỹ để khen thưởng. Trong quy chế của hội cũng đã quy định, gia đình nào có người không tu chí làm ăn, rượu chè, hay nghiện hút... mà những người uy tín của trong hội không giáo dục được, thì sẽ bị khai trừ ra khỏi hội. Những người đó khi nhà có ma chay, hiếu hỉ sẽ không được hội đến giúp đỡ phải tự lo. “Trước kia cũng có người trong hội mắc nghiện ma túy, đã bị hội khai trừ, sau này phải cam kết không nghiện nữa chúng tôi mới kết nạp lại” - ông Bách cho hay.

Được biết, hiện ở xã Mường có tới 3 hội từ thiện theo dòng họ. Tất cả các hội từ thiện này đều hoạt động rất hiệu quả, và gây dựng tinh thần đoàn kết của bà con vùng cao đặc biệt giúp nhau, làm những công việc cần nhiều nhân lực cùng một lúc, mà không phải mất tiền thuê mướn như dựng nhà, chạy lũ... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem