Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khi mới đi vào hoạt động, Công ty TNHH TM Trang Trại Việt ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) chủ yếu sản xuất thiết bị chăn nuôi và thi công hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Ông Trần Quang Tính - Giám đốc công ty cho biết, ông nhận thấy, nếu tận dụng được nguồn phân gà, công ty có thể kiếm thêm tiền thay vì tốn thêm chi phí lớn để xử lý.
Từ ý tưởng đó, ông Tính đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà đạt công suất 200 tấn/ngày, được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Sau khi hoàn thiện quy trình, công ty đã ký hợp đồng trực tiếp xử lý chất thải cho các tập đoàn chăn nuôi lớn ngay tại Đồng Nai.
"Chất thải chăn nuôi được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ nên mang lại giá trị kinh tế cao" - ông Tính cho biết.
Công ty TNHH Thực phẩm G.C (GC Food) ở TP.HCM cũng đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Đồng Nai. Vì giá đất nông nghiệp tăng cao, GC Food đã tìm ra Ninh Thuận thuê và mua đất làm trang trại, phát triển vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT G.C Food cho biết, mỗi năm trang trại của công ty thải ra gần 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng. Số phụ phẩm này được thu gom làm men vi sinh, và phối trộn với phân chuồng để quay vòng, bón lại cho 200ha cây trồng khác, trong đó có việc trồng cỏ để nuôi 500 con bò và 200 con cừu.
Phụ phẩm từ trang trại bò, cừu ngoài việc được xử lý thành phân bón hữu cơ, còn được dùng làm thức ăn cho mô hình nuôi trùn quế. Trùn quế sẽ chuyển hóa phân chuồng thành phân vi sinh bón ngược lại cho cây trồng. Thời gian qua, giá phân bón vô cơ tăng chóng mặt nhưng G.C Food không bị ảnh hưởng nhiều.
"Phụ phẩm được xử lý bằng phương pháp thân thiện môi trường, quay lại phục vụ canh tác ở các trang trại, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào đến 30%" - ông Thứ cho biết.
Ông Thứ chia sẻ, nông nghiệp tuần hoàn - trong đó có việc tận dụng phụ phẩm chăn nuôi là xu hướng phát triển chung của thế giới. Để làm được việc này, doanh nghiệp phải tạo ra một chuỗi sản xuất gồm nhiều công đoạn thay vì chỉ làm một công đoạn duy nhất. Tuy nhiên, chi phí để xử lý các phụ phẩm chăn nuôi hiện nay vẫn còn lớn so với thu nhập của nông dân hoặc mức độ đầu tư của doanh nghiệp.
Ông Thứ đề nghị hệ thống cơ chế, chính sách cần cần đổi mới hiệu lực nhằm tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia, thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch.
"Doanh nghiệp làm nông nghiệp tuần hoàn rất cần các chính sách giảm thuế khi đầu tư công nghệ vào lĩnh vực thu gom, chế biến các phụ phẩm chăn nuôi để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp" - ông Thứ nói.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai lấy ví dụ, chăn nuôi bò đang ở mức tăng trưởng cao nhưng Đồng Nai lại không có đồng cỏ. Nhiều người muốn tận dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho bò. Khi đến các nhà máy chế biến nông sản để thu phụ phẩm rồi vận chuyển đi thì bị vướng. "Bởi phụ phẩm trồng trọt được coi là chất thải theo Luật Môi trường" - ông Công nói.
Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách ưu tiên, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị.
Ước tính đến năm 2025, lượng phân thải từ chăn nuôi cả nước khoảng 68,15 triệu tấn; và 71,92 triệu tấn vào năm 2030.
TS Nguyễn Hữu Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT) đề xuất, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến phụ phẩm sinh ra trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật và sản phẩm động vật. Trên cơ sở đó, Nhà nước xây dựng chính sách để thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.